top of page

                           QUỐC TẾ         Cộng Sản Việt Nam         VIỆT NAM HẢI NGOẠI        Việt Nam Tự Do

Phóng sự Đại Hội Chính Nghĩa

- báo Đông Dương (số 5) năm 1997 -

Phóng Sự ĐẠI HỘI

TIỀN ĐẠI HỘI

 

 

ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA kéo dài trong 3 ngày, nhưng thời gian lo lắng, sắp xếp, phân công, sửa soạn – nói chung là toàn bộ công tác tổ chức cụ thể để có được 3 ngày Đại Hội sao cho tươm tất, tốt đẹp – phải mất tối thiểu 3 tháng.

 

Đó là chưa kể khoảng thời gian “thai nghén” – tức mới bắt đầu từ là ý tưởng hay sang những gì cần phải thực hiện trong Đại Hội được đem ra thảo luận, nhiều cuộc thảo luận đi đến quyết định, quyết định cho phép thảo kế hoạch, kế hoạch dự trù ngân khoản chi tiêu, ngân khoản đòi hỏi vận động…xoay sở… thắt lưng buộc bụng…đau đầu…chóng mặt…nghĩa là chập chùng gian khổ…và cuối cùng là tiến hành Đại Hội bằng mọi giá – thời gian “thai nghé” này kéo dài chừng một năm.

 

Vị chi niềm ấp ủ và công lao tổ chức gọi chung là “Tiền Đại Hội” – cùng với nhiều đại công tác khác của một bộ máy chính phủ còn đang trong thời kỳ cách mạng đã đến hồi quyết liệt nhưng rất thiếu thốn và nhiều khó khăn, vừa phải bảo vệ quyền Dân Tộc Tự Quyết vừa phải điều hành một lúc hai mặt trận, với 2 vùng không gian và hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt, một QUỐC NỘI dẫy đầy nguy hiểm, man trá và một QUỐC NGOẠI rã rời, tha hóa và khủng hoảng niềm tin trầm trọng – đã đốt biết bao tâm-trí-lực và thời gian gần 2 năm của những con người kiên cường không chịu quên quê hương, Dân Tộc.

 

Thời gian hơn 3 tháng cuối cùng là những quả tạ nghìn cân đè nặng trên vai, cắt rời từng bữa ăn, ám ảnh từng giấc ngủ của những chiến hữu đang phục vụ trong Hội Đồng điều hợp trung ương Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do.

 

Liên tục trên 10 tuần lễ, mỗi thứ Bảy từ 1 giờ trưa cho đến khi phố đã lên đèn, nhiều lần kéo dài đến quá nửa khuya, và nếu cần thì thêm ngày Chủ Nhật; toàn bộ Hội Đồng điều hợp trung ương, đại bộ phận của Hội Đồng Quân Ủy, dưới sự chủ tọa và điều động của chiến hữu Tổng Thư Ký Nguyễn Hữu Chánh và Trung tướng Quân Ủy Trưởng Linh Quang Viên, đã họp không ngừng nghỉ để phân công, kiểm điểm, bổ túc, điều chỉnh, bàn thảo, thương nghị và nhiều lần đã phải… tắt đèn làm lại vào những giây phút cuối cho một bộ phận đã từng được phân công từ đầu nhưng bất động hay bất lực vì trở ngại bởi nhiều lý do bất khả kháng.

 

Tiêu lệnh đầu tiên nhưng cũng quan trong nhất được đặt ra là tuyệt đối không quyên góp của đồng bào để làm Đại Hội nhằm khôi phục lại niềm tin trong quần chúng hải ngoại vốn đã mất mát quá nhiều bởi những cuộc lạc quyên lạm dụng bừa bãi trước kia. Tất cả tổn phí sẽ do CPCMVNTD đài thọ. Mọi sự giúp đỡ của các quốc gia tự do trên thế giới có cảm tình với CPCMVNTD, xuyên qua các chương trình kinh tế đầu tư, nếu có, sẽ được đặt trên căn bản Bình Đẳng và tôn trọng Quyền Dân Tộc Tự Quyết của nhau.

 

Tiêu lệnh thứ hai là trước và trong khi Đại Hội, Chiến Hữu các cấp phải hoạt động trong thái độ tự trọng và khiêm tốn nhằm vận động cảm tình để tạo sự đoàn kết tương kính với tất cả các Tôn Giáo, Lực Lượng, Đảng Phái, Đoàn Thể và Nhân sĩ Quốc Gia, từ đó tạo thành một Tổng Thể Lực Lượng Toàn Dân đủ sức mạnh để đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản trên toàn cõi Việt Nam.

 

Một ban tổ chức đại hội được suy cử hoặc do tình nguyện thành hình. Chiến hữu Tổng Thư Ký làm Trưởng Ban Tổ chức hợp cùng các Phó ban và nhiều Trưởng Tiểu ban đặc trách các phần vụ chuyên môn. Các chiến hữu còn lại tùy khả năng xung phong vào các Tiểu Ban. Có người một mình đảm trách 2,3 nhiệm vụ.

 

Tiểu Ban Hành Chánh bị “hành” nhiều nhất. Danh sách các thành viên thuộc CPCMVNTD từ các địa phương xa, cùng các thân hào nhân sĩ, đoàn thể, cộng đồng, tổ chức, tôn giáo, đảng phái, phong trào, mặt trận… có cùng mục tiêu đấu tranh giải thể Đảng CSVN, sẽ được Chính phủ mời về tham dự Đại Hội được Tiểu Ban Hành Chánh gạn lọc gấp rút. Thư mời danh dự được gửi đi theo đường bưu điện khắp thế giới và những cuộc tiếp xúc để biết chính xác ai nhận lời về tham dự Đại Hội, từ đó vé máy bay được đặt mua rồi lại gửi đi. Cả một đại khách sạn hạng sang cũng được bao nguyên 1 tuần lễ dự trù cho các thành viên cùng quan khách khắp nơi về ăn ở, và đó cũng là nơi đại hội diễn ra trong 2 ngày đầu. Mấy chục ngàn thiệp mời 4 màu (full color) được in sẵn sẽ được gởi đi khắp nơi để các thành viên của Chính phủ trao mời tận tay đồng bào.

 

Tiểu ban Chuyển Vận được trang bị đoàn xe hơi đủ loại kể cả 2 xe bus, cơ hữu hoặc thuê mướn, có gắn huy hiệu ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA “97” gần 20 chiếc với toán thành viên ghi danh túc trực lái xe đưa đón người đi kẻ về hay đồng bào muốn tham dự Đại Hội từ 6 khu vực đậu xe trong vòng đai 2 dặm chung quanh đại hội trường thành phố, mỗi người sẽ được trang bị 1 máy liên lạc (CB) cùng 1 beeper để tiện phối hợp với 1 trung tâm vận chuyển làm việc 24/24 suốt 7 ngày đêm kể từ trước Đại Hội.

 

Ngoài ra, Tiểu ban Thông Tin cũng bận rộn không kém. 2 Đài phát thanh và 2 đài truyền hình Việt Nam (không kể đài phát thanh riêng của Chính Phủ), cùng trên một chục tờ báo Việt ngữ (chưa kể tờ Đông Dương, một tạp chí bìa 4 màu với số lượng in 100,000 ấn bản, cơ quan ngôn luận riêng của Chính Phủ) liên tục loan báo và đăng thông cáo mời gọi đồng bào tham dự Đại Hội cũng được huy động liên tục.

 

Tiểu ban Tiếp Tân & Ẩm Thực dự trù sẽ lo phần tiếp đãi và ăn uống sáng, trưa, chiều cho tối thiểu trên 300 người trong suốt 2 ngày đầu Đại Hội tại hội trường khách sạn, và ghi danh hướng dẫn cho khoảng chừng 3,000 người trong ngày Đại Hội cuối cùng tại Đại hội trường thành phố với chương trình ra mắt thành phần CPCMVNTD/Hải ngoại cùng một bữa tiệc tiếp tân chia tay trong đêm sau buổi họp báo với ước lượng 400 quan khách.

 

Riêng Tiểu ban Trang Trí & Thiết Kế có lẽ tốn sức lao động và rất … cao thượng vì làm việc trên cao nhiều nhất. 400 lá quốc kỳ màu vàng 3 sọc đỏ VNCH và hàng trăm lá quốc kỳ Mỹ sẽ phải phất phới tung bay trên các cột điện lớn suốt 3 ngày Đại hội dọc theo 2 con đường Bolsa và Newhope cũng như tại 2 hội trường, cùng 24 biểu ngữ khổ lớn biểu dương chính nghĩa và lập trường của CPCMVNTD sẽ phải được treo lên … gỡ xuống…dời đi …và treo lại… ở 2 hội trường theo 2 thời điểm diễn tiến đại hội khác nhau. Một bàn thờ Tổ quốc với huy hiệu của chính phủ cũng như của Đại hội Chính Nghĩa cũng phải được thiết kế. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến 2 phi cơ, một chiếc kéo lá Đại Kỳ (cờ vàng 3 sọc đỏ) và một chiếc kéo 1 biểu ngữ khổng lồ chào mừng Đại Hội Chính Nghĩa trên không trung trong ngày bế mạc Đại Hội

 

...Và còn hàng trăm chuyện phải dự trù, sắp đặt và lo liệu trong giai đoạn “tiền Đại Hội”. Có nhiều chuyện đôi khi tưởng chừng không thể vượt qua được nếu chiến hữu Tổng Thư Ký không phải là một người cương quyết và quyền biến. Nếu cần phải kể hết thì có lẽ phải tốn hàng trăm trang giấy mới… tạm coi là đủ. Dù sao thì giai đoạn vất vả “Ttiền Đại Hội” cũng đã đến hồi kết thúc. Hơn 100 Đại Biểu và hàng trăm quan khách từ khắp nơi trên thế giới đã hàng hàng lớp lớp tràn về thủ đô của người Việt tị nạn được mệnh danh là “Little Saigon” thuộc miền Nam California. Đoàn xe với huy hiệu Đại Hội Chính Nghĩa đang rộn rịp di chuyển như con thoi giữa các tuyến đường từ các phi trường Orange County, Los Angeles và đại khách sạn Seoul Plaza Hotel. ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA đang chuyển vào giai đoạn căng thẳng nhất.

 

Khi số báo này đến tay quý độc giả thì ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA đã hoàn tất đúng như dự trù và hết sức thành công. Tết Nguyên Đán cũng đã qua đi trong âm hưởng đầy phấn khởi và tin tưởng, nếu không muốn nói là niềm tin về một cơ hội về lại quê hương trong chiến thắng dường như đã phần nào được khôi phục lại.

 

Chuyện cách mạng là con đường dài của những con người thực sự đảm lược dám nói dám làm. Phóng sự về một Đại Hội cũng là một bài viết tốn nhiều chữ nghĩa và giấy mực. Không thể vội được.

 

Bây giờ, với bánh mứt trà rượu của ba ngày xuân còn sót lại, xin mời quý độc giả cứ tự nhiên, vừa nhâm nhi vừa dùng trí tưởng tượng, để cùng chúng tôi chính thức tham dự:

ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA Ngày Thứ NHẤT:

24/1/1997

 

HỘI NGHỊ NỘI BỘ

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

 

Buổi sáng tàn đông trời Cali hơi se lạnh. Cái lạnh không làm băng giá làn da, không gây tê tái lòng người, chỉ đủ để những bộ lễ phục trở nên hợp thời và ấm cúng hơn. Cơn mưa đêm qua rửa sạch đường phố, và vài cơn mưa ngắn nhẹ hột chợt rơi chợt dứt sáng nay chỉ đủ làm ươn ướt không gian, thêm sáng màu cờ, và cầm chân các chiến hữu phương xa đã về từ mấy hôm trước hiện đang ngụ trong khách sạn thêm gắn bó hơn với Đại Hội.

 

Đại khách sạn sang trọng Seoul Plaza Hotel (Ramada Inn cũ) sáng nay “mặc áo mới” với những ngọn cờ vàng ba sọc đỏ trên nóc đại sảnh và trước cổng chánh, với những hàng biểu ngữ đầy chính nghĩa và khí phách giăng mắc khắp nơi trong ngoài khách sạn, với hàng trăm người y phục chỉnh tề, ngực gắn huy hiệu CPCMVNTD, sắc mặt nghiêm trang nhưng rạng rỡ tấp nập tới lui, tay bắt mặt mừng với bằng hữu lây ngày cách biệt, hoặc với những nhân vật vừa được giới thiệu vì trước giờ chỉ là “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.

 

Bên ngoài, trước cửa hội trường khách sạn và cũng là phòng họp, một dãy bàn dài với hơn 10 thiếu nữ trẻ đẹp thướt tha trong tà áo dài truyền thống Việt Nam, túc trực tự lúc nào, tươi cười và dịu dàng chào đón mời khách tham dự ghi danh trước khi được hướng dẫn vào chỗ ngồi.

 

Bên trong phòng hội rộng lớn, 4 dãy bàn được kê nối tiếp nhau theo hình chữ nhựt dựa theo 4 vách tường. Gần 200 ghế ngồi kê thành 2 dãy phía sau bàn không còn một ghế trống. Chưa đến 8 giờ mà thành viên Chính phủ các cấp đã hiện diện đầy đủ. Trên bàn trước mặt các thành viên có bảng ghi rõ xuất xứ của từng phái đoàn hay cá nhân tham dự hội nghị.

Quan sát các bảng ghi trên bàn, người ta có thể biết các thành phần Chính phủ tham dự hội nghị gồm có:

ĐẠI HỘI ngày thứ Nhất

       - Hội Đồng Cố Vấn

       - Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương

       - Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương

       - Bộ Ngoại Giao CPCMVNTD

       - Tổng Vụ Hải Ngoại

       - Đoàn công tác Hoa Kỳ

       - Đoàn công tác Úc Châu

       - Đoàn công tác Âu Châu

       - Hội Đồng đại biểu cấp quốc gia

       - Hội Đồng đại biểu cấp tiểu bang

       - Tổng Liên Đoàn Thanh Niên Cách Mạng Việt Nam

 

Trên bàn Chủ Tọa Đoàn có các bảng tên theo thứ tự

từ trái sang phải như sau:

         Giáo sư Nguyễn Huy Đẩu

         Giáo sư Ngô Trọng Anh

         Chiến hữu Nguyễn Hữu Chánh

         Trung tướng Linh Quang Viên

         Luật sư Nguyễn Khắc Chính

         Giáo sư Hà Thế Ruyệt

 

Thư ký Đoàn gồm có:

         Chiến hữu Nguyễn Thanh Huy

         Chiến hữu Lê Hưng

Giới thiệu chương trình là Chiến Hữu Hà Huyền Thanh.

Đúng 8 giờ, Đại tá Lê Khắc Lý lên máy vi âm, ngỏ lời xin lỗi các thành viên tham dự Hội Nghị, là chương trình được dự trù khai mạc đúng 8 giờ nhưng bị bắt buộc dời chậm lại một ít… làm cho hội trường giật mình xôn xao – nhưng rồi mọi người thở phào nhẹ nhỏm và trở nên hứng khởi hơn khi nghe lời giải thích là chiến hữu Tổng Thư Ký Nguyễn Hữu Chánh còn đang quá bận rộn với những cú điện đàm đột xuất liên quan tới những công việc hết sức hệ trọng cần phải đích thân chiến hữu Tổng Thư Ký giải quyết mới được, đa số từ ngoại quốc gọi về.

 

8 giờ 30 phút, chiến hữu Tổng Thư Ký tiến vào hội trường và ngồi vào bàn chủ tọa trong tiếng vỗ tay vang dội.

 

Đại tá Lê Khắc Lý tranh thủ ngay thời gian, ngỏ lời cám ơn sự kiên nhẫn của các tham dự viên và nhường máy vi âm cho chiến hữu Hà Huyền Thanh điều khiển nghi lễ chào Quốc Kỳ hát Quốc Ca Việt - Mỹ và 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và tưởng niệm anh linh anh hùng, liệt nữ, hương linh của bao nạn nhân chế độ CSVN.

 

Tiếp theo là phần giới thiệu các cá nhân đặc biệt và các bộ phận hay phái đoàn của Chính phủ tham dự hội nghị. Cả hội trường trở nên khích động và hân hoan khi nghe giới thiệu tên của 2 vị trung tướng, một vị đô đốc, 1 vị Đề Đốc và nhiều vị Đại Tá, Trung Tá thuộc quân lực VNCH trong Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương.

 

Mở lời chính thức khai mạc Hội Nghị nội bộ và cũng là khai mạc Đại Hội Chính Nghĩa, Giáo sư Ngô Trọng Anh, cựu Tổng Trưởng Công Chánh VNCH, bằng giọng nói chân tình, thẳng thắn không màu mè của một người tuổi hạc đã cao, danh vọng đã nhiều, giải thích vì lý do nào, mà hôm nay phải đem phần đời mong manh còn lại của mình, để đóng góp vào một công cuộc cách mạng lấp biển dời non đầy phong ba bão táp do CPCMVNTD chủ xướng. Giáo sư nói… “trong lần họp thứ nhất có 10 người, chúng tôi nhận định tình hình xứ sở mình, tình hình nội bộ Đảng CSVN, tình hình Người Việt quốc gia trong và ngoài nước, tình hình của Hoa Kỳ với chiến thuật và chiến lược toàn cầu, và tình hình thế giới; chúng tôi xác nhận muốn chiến thắng CSVN, xây dựng lại quê hương phải đấu tranh bằng thế của một chính phủ mới hữu hiệu. Trong lần họp thứ hai, chỉ còn lại có 6 người! Lần thứ ba còn lại có 2 người! Nhưng hôm nay, chúng ta họp tại đây với gần 200 người chưa kể hàng ngàn người khác đã gia nhập CPCMVNTD nhưng không thể đến đây hết được vì còn bận công tác, vì xa xôi cách trở. Như vậy chẳng những là một điều đáng mừng mà còn là một sự xác nhận rằng chúng tôi đã làm đúng, chúng ta nhất định phải thành công…”

 

Hội trường nghiêm trang và im lắng “nuốt” từng lời nói của người lão sĩ phu quốc gia rồi chợt bùng lên với tràng pháo tay vang dội. Riêng chúng tôi thấy lòng lâng lâng khi liên tưởng đến 2 câu thơ của Tướng Đặng Dung trong bài Thuật Hoài:

 

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma

 

Tiếp theo là lời chào mừng Đại Hội và toàn thể Tham Dự Viên của các nhân vật quan trọng. -

 

        - Trung tướng Linh Quang Viên, mấy chục năm “túy ngọa sa trường”, mấy lần làm Tổng Trưởng, Đại Sứ; điềm đạm nhưng giọng nói vẫn còn nhiều uy lực nhà binh; bày tỏ…ước mong tạo được một sự đoàn kết rộng lớn giữa những người cựu quân nhân quân lực VNCH các cấp, các Quân binh chủng đã từng một thời phục vụ quốc gia dân tộc dưới chung một màu cờ, một quân lực – để tiếp nối cuộc đấu tranh dành giữ nền tự do, dân chủ cho Dân Tộc mà 22 năm trước đã phải “bị” dở dang thúc thủ bởi những thủ đoạn chính trị bỉ ổi của quốc tế và quốc nội.

 

Ngàn năm trước … đời Hậu Lý, một lão tướng Lý Thường Kiệt 70 tuổi phá Tống bình Chiêm, lưu danh thiên cổ với một chuyến vượt ải xuất quân khiến cho 2 “châu” của nhà Đại Tống Trung Hoa “trẻ con không dám khóc, gà ngưng gáy, chó nằm co, Đại Nguyên Soái Tống Địch Thanh và cả triều đình Trung Hoa bạt vía” rồi kiếm chỉ về phương Bắc, sang sảng và nghiêm khắc ngâm câu: Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư…

 

Ngàn năm sau… bây giờ trong hội trường ở một nơi viễn xứ, nhìn người lão chiến binh tuổi quá “cổ lai hi” mà hồn vẫn gắn bó với núi song, chúng tôi nghe lòng dấy lên một nỗi ngậm ngùi thương cảm và thán phục.

      

       - Giáo sư và cũng là một nhà ngoại giao lão thành, 84 tuổi, Nguyễn Huy Đẩu – Luật Sư Nguyễn Khắc Chính, Luật gia chưa có 1 ngày kinh nghiệm trận mạc, nhưng đã dám đứng lên dùng võ lực đánh nhau với chính quyền CS sau ngày miền Nam thúc thủ trong vụ “chính biến Vinh Sơn”. 17 năm tù – Giáo sư Cao Thế Dung – Trung tướng Nguyễn Văn Toàn…

 

       - Lần lượt từng vị một, bằng giọng nói thắm thiết, gửi đến mọi người trong hội trường lời thăm hỏi nồng nàn và niềm tâm sự thiết tha của những sĩ phu trong cơn quốc biến, dù bản thân họ đã từng một đời cống hiến và tan tác trong lao tù.

Đúng 10 giờ, cả hội trường bỗng nhiên như bất động, không khí như đặc lại, mọi ánh mắt đều quay về một hướng, sau lời giới thiệu trịnh trọng của Ban Điều Hợp về phần nói chuyện của – một người mà toàn thể Hội Nghị vẫn chờ đợi được nghe từ đầu – một người trẻ nhất trên bàn chủ tọa – một người đã lẫm liệt lao vào cuộc đấu tranh chống CS từ những ngày còn trong nước ngay sau khi toàn miền Nam đã tê liệt và sụp đổ - một người không chịu hưởng thụ dù đời sống kinh tế tương đối đã ổn định và sung túc khi ra đến nước ngoài – một người đã bỏ chỗ bình an để tìm về lại nơi nguy hiểm trong bàn tay kẻ thù, lặn lội nơi đèo cao lũng sâu hay biên cương hoang vắng – một người tự đánh đổi toàn bộ tuổi trẻ của đời mình cho những nỗ lực dành lại quê hương khỏi bàn tay CS tăm tối bạo tàn – một người được CPCMVNTD tín nhiệm giao phó trọng trách lèo lái đại bộ phận hải ngoại của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn, phức tạp và tế nhị hiện giờ - chiến hữu Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương Nguyễn Hữu Chánh.

 

Chiến hữu Tổng Thư Ký đứng lên rời bàn chủ tọa và lanh lẹ tiến đến trước máy vi âm …

 

Kính chào quý vị trong Hội Đồng Cố Vấn.

Kính chào quý vị trong Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương

Kính chào các chiến hữu…

 

Bầu không khí đang im lặng một cách ngột ngạt đột nhiên như được châm ngòi nổ. Một người vỗ tay… hai người vỗ tay…nhiều người…thật nhiều người…tất cả hội trường cùng vỗ tay. Tiếng vỗ tay vang dội…kéo dài…

 

…Kính chào và xin trân trọng cám ơn toàn thể quý chiến hữu. Trước hết, tôi xin quý chiến hữu và Ban Điều Hợp cho phép tôi được nói chuyện dài hơn thời gian đã ấn định trong chương trình Hội Nghị ngày hôm nay. Công việc tường trình hoạt động của Chính Phủ năm 1996… mà thật ra là 2 năm … vì kể từ 1995, tức là kể từ khi thành lập CPCMVNTD trong nước đến giờ, đây là lần Đại hội đầu tiên… do đó, để cho sự tường trình được đầy đủ… vả lại, đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ đông đảo và đầy đủ các chiến hữu từ khắp nơi trên thế giới như hôm nay … nên tôi muốn được hàn huyên cùng quý chiến hữu cho trọn vẹn. Tôi tin rằng, quý chiến hữu cũng đang chờ đợi muốn nghe tất cả các biến cố quan trọng đã xảy ra và những gì Chính phủ sẽ phải làm trong những tháng ngày sắp tới.

 

Tiếng vỗ tay vang dậy trong hội trường

 

…Vậy, một lần nữa tôi xin quý vị trưởng thượng trong Hội Đồng Cố Vấn, quý vị Tướng Lãnh trong Ban Lãnh Đạo Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương và Ban Điều Hợp Hội Nghị cho phép tôi được nói chuyện rộng giờ hơn thời gian ấn định. Xin cám ơn toàn thể quý vị.

Toàn thể thành viên tham dự Hội nghị cùng đứng lên vỗ tay. Tràng pháo tay lần này kéo dài tưởng như bất tận. Bài nói chuyện có lúc làm cho hội trường miên man với lối nói khi hùng hồn, khi tha thiết. Đồng thời, những tràng pháo tay cũng cứ vang lên từng chập theo với cách trình bày vấn đề đầy hấp dẫn, nhiệt tình và lôi cuốn. Những sự kiện trong quá khứ, những biến cố đã xảy ra, những dự đoán cho ngày mai, những sắp đặt cho hành trình vào những tháng năm sắp tới…kể cả những tâm tình, những ray rứt của một người không còn trẻ nhưng chưa già đối với vận mệnh nghiệt ngã của Quốc Gia Dân Tộc… được phô bày bằng cách dụng chữ chính xác, dụng câu dễ hiểu, không đao to búa lớn, không màu mè cầu kỳ nhưng đã hoàn toàn chinh phục được lòng người.

 

Bài nói chuyện kết thúc khi cơn mưa đã tạnh, tràng pháo tay cứ tiếp tục, sự xúc động và niềm tin tưởng hãy còn tràn đầy trên nét mặt mọi người.

 

Cho đến khi Ban Điều Hợp tuyên bố tạm ngưng hội Nghị để mời mọi người xuống lầu dùng bữa ăn trưa thì đồng hồ chỉ đúng 1 giờ. Ngoài sân nắng đã lên cao. Hàng quốc kỳ thân thương màu vàng ba sọc đỏ treo trên nóc sân thượng của mặt tiền đại sảnh khách sạn Seoul Plaza Hotel đã hoàn toàn khô ráo đang phần phật tung bay trong gió.

 

Mọi thành viên khoan thai rời phòng Hội Nghị. Tiếng rì rào bàn tán về bài nói chuyện của chiến hữu Tổng Thư Ký, thỉnh thoảng có vài giọng cười sảng khoái vang lên, theo từng bước chân của đoàn người… xuống lầu tiến vào nhà hàng ăn của khách sạn. Thức ăn nóng bốc khói nghi ngút bên cạnh nhiều thiếu nữ tươi trẻ duyên dáng chào đón săn sóc phần ăn thức uống cho từng người. Ai nấy tự ngồi vào bàn ăn không phân biệt cấp bậc, tuổi tác, thân sơ. Tiếng bàn bạc rì rào vẫn tiếp tục suốt bữa ăn trưa… nồng ấm…thân mật và …thoải mái.

 

Sau bữa ăn trưa và nghỉ ngơi trong giây lát, các tham dự viên trở lại phòng Hội Nghị vào lúc 2 giờ trưa để tiếp tục cuộc Hội nghị với tất cả sự hăng hái và hứng khởi.

 

Chương trình Hội Nghị tiếp tục theo đúng như dự trù. Phần trình bày Mục Đích và Chương Trình của 3 ngày Đại Hội do 3 thành viên đảm trách:

 

       - Giáo sư Cao Thế Dung bằng những chứng minh lịch sử, đã đưa ra 6 điểm thuận lợi và cần thiết của cuộc hội nghị nội bộ ngày 24/1/1997.

       - Giáo sư Hà Thế Ruyệt đảm trách phần trình bày nội dung và mục đích cũng như chương trình dự trù cho cuộc Hội Luận giữa các thành viên Chính phủ và thân hào, nhân sĩ, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, cộng đồng…vào ngày 25/1/1997. Giáo sư Ruyệt đã không quên nhấn mạnh đến cung cách hành xử và ăn nói của các thành viên đối với các nhân vật hay tổ chức ngoài Chính phủ. Một chương trình dự trù được đưa ra cho các thành viên nắm vững các nguyên tắc cho cuộc Hội Luận ngày mai.

 

       - Phần cuối nhưng cũng là phần quan trọng nhất do Đại tá Lê Khắc Lý đảm nhận. Một chương trình điều hợp cho ngày lễ bế mạc và cũng là ngày CPCMVNTD chính thức lần đầu tiên ra mắt đồng bào tại hải ngoại, cùng một buổi họp báo với bữa tiệc khoản đãi tại nhà hàng – được soạn thảo kỹ lưỡng với tuần tự các tiết mục và các sự bố trí phân công cụ thể đã được Đại tá trình bày rất chi tiết.

 

Một số câu hỏi cũng như một số ý kiến đóng góp cho 2 ngày Hội nghị kế tiếp, nhất là ngày cuối cùng, đã được một số thành viên nêu lên, từ đó, tạo cho bầu không khí Hội Nghị trở nên sôi nổi.

 

Phần kế tiếp là Báo Cáo công tác đã thực hiện trong năm 1996, các thành quả cùng các trở ngại đã gặp phải và các phương án đề nghị cho năm 1997 do các Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương, Bộ Ngoại Giao, Ủy Ban Thông Tin, các Đoàn công tác Hoa Kỳ, Âu châu, Úc Châu, Đại Biểu các tiểu bang Hoa Kỳ và đại biểu các quốc gia lần lượt thực hiện.

 

Sau mỗi báo cáo, cả Hội Nghị cùng góp ý và thảo luận trong cung cách hết sức cởi mở và xây dựng. Bọn nhà báo chúng tôi ngồi quan sát mà có cảm tưởng như đang ngồi trên quê hương và chứng kiến sự chuyển động của một guồng máy Chính phủ đang tại chức. Điểm khác biệt có thể nhận ra là – trong mỗi góp ý, tinh thần hy sinh và tự nguyện cống hiến cho đại cuộc bàng bạc suốt cuộc thảo luận – khác với lối làm việc có tính cách công chức trong một bộ máy chính phủ thời bình – chỉ làm vì bổn phận phải làm, nhiều khi có tính cách trả nợ quỷ thần.

 

Xong phần báo cáo và thảo luận, Hội Nghị tạm ngưng để mọi người nghỉ giải lao trong 15 phút cho bớt căng thẳng.

 

Sau đó, các thành viên trở lại hội trường để nghe Ban Điều Hợp làm công tác Tổng Kết hội nghị. Những gì cần sắp đặt cho 2 ngày Đại Hội kế tiếp, một lần nữa lại được dặn dò kỹ lưỡng.

 

Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Hoàng Dân và bản Hiến Chương cũng đồng thời được phổ biến cho Hội nghị nghiên cứu và tham khảo, trước khi toàn thể Hội nghị thông qua các chỉ thị cần thiết của Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương.

 

Hội nghị nội bộ và cũng là ngày ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA đầu tiên bế mạc vào đúng 6 giờ chiều ngày 24 tháng 1 năm 1997, trong niềm tin tưởng và lạc quan của toàn thể thành Viên CPCMVNTD hiện diện trong hội trường. Mọi người chia tay nhau, kẻ về phòng sửa soạn dự bữa cơm chiều tại khách sạn do Chính phủ đài thọ như mọi ngày, kẻ ra đi với thân nhân hay bằng hữu đến đón. Những thành viên ở tại Orange County thì trở về nhà với gia đình và chờ tham dự ngày Đại Hội kế tiếp.

 

Qua một cuộc hành trình từ xa bay về, và nhất là qua một ngày dài thảo luận trong suốt cuộc hội nghị có tính cách nội bộ, chính nghĩa đã được làm rõ hơn, niềm tin đã được cũng cố nhiều hơn, chắc chắn đêm nay, chúng tôi nghĩ, mọi thành viên tham dự Hội nghị sẽ có một giấc ngủ ngon. Có thể có người đêm nay, nằm mộng thấy mình cùng đoàn quân chính nghĩa của CPCMVNTD trở về giành lại quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu.

 

Một nhà văn nào đó đã nói: Người ta có thể đem tôi ra khỏi quê hương – nhưng không ai có thể đem quê hương ra khỏi hồn tôi.

ĐẠI HỘI ngày thứ Nhì

ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA

Ngày Thứ NHÌ:  25/1/1997

 

HỘI LUẬN VỚI ĐOÀN THỂ

 

Mưa vẫn cứ tiếp tục… khi rơi khi dứt, khi nặng khi nhẹ, suốt cả đêm cho tới sáng. Mặt trời còn ngủ quên trên mây. Vài tia sáng yếu ớt ửng trên bầu trời xám đục với những vầng mây dầy đặc sủng nước. Phố phường chuyển động một cách uể oải như nuối tiếc giấc ngủ muộn của một buổi sáng cuối tuần và cuối đông.

 

Rời nhà đến hội trường khách sạn, nhìn không gian thiên hôn địa ám… lòng chúng tôi chợt e ngại cho buổi Đại Hội sắp khai diễn. Hôm nay là ngày CPCMVNTD lần đầu tiên chính thức đối diện với quần hùng. Nói theo văn chương kiếm hiệp thì phải gọi Đại Hội ngày hôm nay là “Quần Anh Hội”, nói theo danh từ chính trị thì gọi là “Hội Nghị Chính Trị Quốc Gia”, còn nói theo CPCMVNTD thì Đại Hội ngày hôm nay được mệnh danh là HỘI LUẬN CHÍNH TRỊ. Liệu hàng mấy trăm thiệp mời và từng ấy cú điện đàm giải thích mời gọi sẽ có hiệu lực bao nhiêu vào một thời điểm nhân tâm ly tán.

 

Tìm được chỗ đậu xe một cách vất vả, đội mưa gió giá lạnh chạy vội vào bên trong khách sạn mà lòng chợt thấy ấm và vui. Nỗi ấm và niềm vui có lý do chính đáng riêng của nó. Ngày hôm qua, parking trống trải vì chỉ là Hội nghị nội bộ, đa số tham dự viên là các chiến hữu ở xa về bằng đường hàng không nên không cần chỗ đậu xe. Ngày hôm nay, khách bên ngoài đến bằng xe riêng để “hội luận” với chính phủ, do đó, parking không còn chỗ trống là …điềm lành.

Đúng như dự đoán. Cả một hội trường với gần 400 ghế ngồi không còn một chỗ trống. Dãy bàn ghế sắp viền theo 4 vách tường ngày hôm qua vẫn được giữ nguyên như cũ cho các thành viên của CPCMVNTD, tức “chủ nhà” ngồi. Khoảng trống mênh mông ở giữa kê ghế dầy đặc cho các thân hào, nhân sĩ, đại diện đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, tổ chức quốc gia…, tức “quan khách” ngồi. Nhiều thành viên Chính phủ phải ra đứng bên ngoài hội trường, nhường ghế “một cách sung sướng” cho “khách” ngồi.

 

Trước cửa vào hội trường cũng vẫn như ngày hôm qua. Các thiếu nữ trẻ, duyên dáng trong tà áo dài đảm trách phần ghi danh và nước uống cho quan khách.

Chủ tọa Đoàn, Ban Điều Hợp và thư ký đoàn cũng gồm những vị của buổi Đại Hội ngày hôm qua, 24 tháng 1 năm 1997.

 

Đại Hội ngày thứ hai khai mạc đúng 9 giờ sáng ngày 25 tháng 1 năm 1997. Nghi thức khai mạc cũng diễn ra với các tiết mục chào quốc kỳ, hát quốc ca Việt, Mỹ và một phút mặc niệm do chiến hữu Hà Huyền Thanh đặc trách. Điểm khác biệt là hôm nay, bài quốc ca được hát lớn hơn vì số người tham dự đại hội tăng lên hơn gấp đôi.

 

9 giờ 30 phút, chiến hữu Hà Huyền Thanh giới thiệu các thành viên chính phủ tham dự đại hội với quan khách. Tiếp theo, Đại tá Lê Khắc Lý, một trong 3 điều hợp viên chương trình tuyên đọc danh sách các thân hào, nhân sĩ, đại diện các đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, cộng đồng, tổ chức đấu tranh, quốc gia, báo chí, đài phát thanh, truyền hình…hiện diện trong buổi Đại Hội. Danh sách quan khách tham dự cứ tiếp tục được bổ túc thêm bởi nhiều vị sót tên trong danh sách ghi danh, nhưng Ban Tổ chức nhận diện được, hoặc có khi vì đến trễ. Có nhiều vị khách đến từ các tiểu bang rất xa, nhưng cảm động nhất là có vị đã đến từ Canada, Âu châu và Úc châu. Các vị quan khách, chính khách ngoại quốc, Hoa Kỳ hay Pháp, Ý, Canada được vỗ tay nhiều và lâu nhất.

 

Giáo sư Ngô Trọng Anh, Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn CPCMVNTD, một lần nữa được đề cử ngỏ lời chào mừng Quan Khách và tuyên bố khai mạc Đại Hội ngày thứ nhì.

 

Phần đọc “thư” và “điện thư” của cá nhân hay đoàn thể gửi đến chúc mừng hoặc cam kết ủng hộ CPCMVNTD và chúc Đại Hội Chính Nghĩa thành công, khá dài vì… quá nhiều. Đặc biệt, một số thư của nhiều chính khách ngoại quốc, nhất là Hoa Kỳ, như Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu, Thống Đốc Tiểu Bang…gửi đến bằng tư thế chính thức, đã tạo một niềm khích lệ lớn, không những cho các thành viên Chính phủ mà luôn cả quan khách tham dự.

 

Phần tường trình các hoạt động và thành quả của Chính phủ trong thời gian qua và phương án hoạt động trong thời gian tới của chiến hữu Nguyễn Hữu Chánh, Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương CPCMVNTD vẫn là tiết mục được mọi người trong và ngoài Chính phủ chờ đợi nhiều nhất.

 

Vẫn bằng giọng nói và cách trình bày nhiệt tình, lôi cuốn, chiến hữu Tổng Thư Ký đã làm cho mọi người kinh ngạc và thán phục, khi ông báo động rằng ông biết rất rõ về sự hiện diện trong phòng hội có 3 người đang làm việc cho cơ quan tình báo CSVN. 3 người này đã đội lốt đại diện 1 hội đoàn quốc gia mà họ đã đột nhập từ lâu để vào phòng hội lấy tin tức. Ông cảnh cáo 3 người này nên sám hối về hành động làm tay sai cho bọn CS phi nhân, và nên cải tà qui chánh về với chính nghĩa quốc gia. Ông cho biết, CPCMVNTD có khả năng và có đủ điều kiện để biết rõ tung tích của bọn người “ăn cơm quốc gia thờ ma CS”.

 

Ngay khi vừa bị cảnh cáo, một trong 3 tên CS đội lốt đã lùi ra khỏi hội trường nhanh chóng và bỏ ra về. 2 tên còn lại giữ bình tĩnh ngồi im. Chiến hữu Tổng Thư Ký điềm tĩnh cho biết là ông đã từng ngang nhiên về tận Việt Nam chiến đấu cho lý tưởng quốc gia, thì ở đây, sá gì một vài tên theo đuôi CS.

 

Trở lại phần tường trình, ông giải thích lý do nào và nhu cầu gì đã khiến cho ông cùng những người đồng chí hướng đã phải quyết định thành lập CPCMVNTD vào ngày 30 tháng 4 năm 1995 tại quốc nội.

 

Tiếp tục, ông cho biết: … sau khi thành lập Chính phủ và trở ra quốc ngoại nhận nhiệm vụ điều hành Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương đến nay, ông cùng với các chiến hữu đã đi nhiều nơi khắp nước Mỹ và khắp thế giới, vận động và tổ chức được nhiều cơ cấu Chính phủ tại nhiều địa phương, cũng như cùng với Bộ Ngoại Giao của Chính phủ thực hiện được nhiều thành quả ngoại vận rất đáng khích lệ. Một số các chính khách quốc tế, trong tư cách cá nhân, xí nghiệp hay của chính thức quốc gia, họ đã cam kết và thực hành cụ thể một số giúp đỡ, yểm trợ rất đáng kể. Có quốc gia đã sẵn sàng ký kết cho CPCMVNTD được quyền sử dụng cả một hòn đảo của họ để hoặc làm trụ sở của Chính phủ, hoặc làm nơi tái định cư cho người tỵ nạn đang trong cơn bế tắc vì thiếu quốc gia nhận nhập cư.

 

Uy tín của CPCMVNTD đối với quốc tế qua công trình ngoại vận rất có giá trị và càng lúc càng tăng. Ông đưa ra một bằng chứng cụ thể mới nhất, là chỉ trong vài ngày vừa qua, phái đoàn Đại diện CPCMVNTD tại Ý đã gặp khó khăn khi xin chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ để tham dự Đại Hội Chính Nghĩa. CPCMVNTD đã lập tức can thiệp với Bộ Di Trú Hoa Kỳ, và sau đó không lâu, Phái Đoàn đại diện chính phủ tại Ý đã được cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ với hàng chữ: Do sự yêu cầu của CPCMVNTD (Government of Free Vietnam – tên của chính phủ CMVNTD dịch sang tiếng Anh bỏ bớt chữ “Cách Mạng” vì sự tế nhị trong bang giao quốc tế). Một thành viên chính phủ tại Ý đã đứng lên, giơ cao thẻ thông hành có hàng chữ trên cho mọi người cùng xem. Tiếng vỗ tay của toàn hội trường vang lên, kéo dài tán thưởng một thành quả ngoại giao của chính phủ đạt được và xem như là bước đầu của sự thừa nhận CPCMVNTD từ phía Quốc Tế.

 

Nói về tương lai, chiến hữu Tổng Thư Ký cho biết, công tác phát triển các cơ cấu chính phủ khắp nơi vẫn sẽ được đẩy mạnh. Đội ngũ thanh niên, sinh viên, chuyên viên sẽ được khuyến khích để sẵn sàng về nước đóng góp xây dựng lại quê hương khi cần. Chính phủ sẽ tận lực “chiêu hiền đãi sĩ” và ước mong anh hùng hào liệt sẽ gia nhập và tham gia vào Nội Các Chính phủ vì hiện nay, ngoài Thủ tướng Nguyễn Hoàng Dân đang lãnh đạo cuộc đấu tranh trong quốc nội, chỉ mới có một Bộ được thành lập là Bộ Ngoại Giao vì nhu cầu ngoại vận, với Tổng trưởng Lê Kim Khanh và Thứ trưởng Lê Hưng. Các Bộ khác còn bỏ trống và Chính phủ đang chờ những người tài đức từ các đảng phái, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo… cử vào để điền khuyết, hầu tạo nên một thực thể càng lúc càng mạnh, đủ để trở về giải phóng quê hương, giải thể chế độ CS tàn bạo phi nhân.

 

Riêng phần công tác đấu tranh trực diện với CS tại quốc nội, chiến hữu Tổng Thư Ký cho biết là Chính phủ đã có chương trình hành động trong những ngày tháng sắp tới. Chắc chắn sẽ có những biến cố xảy ra nằm trong dự liệu của Chính phủ. Nhưng vì an nguy của những chiến hữu đang hoạt động trong lòng địch, và vì để bảo đảm cho sự thành công của công tác, chiến hữu Tổng Thư Ký xin được phép giữ kín và chỉ loan báo ra khi nào thấy cần thiết và an toàn.

 

Để chấm dứt bài nói chuyện, chiến hữu Tổng Thư Ký đã đề nghị mọi người, nhất là quý vị thân Hào, nhân sĩ, đại diện các đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, tổ chức người việt quốc gia… hãy đặt câu hỏi về bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chính phủ hoặc cá nhân của chiến hữu Tổng Thư Ký.

 

Sau nhiều lần khuyến khích mọi người đặt câu hỏi, nhưng thấy mọi người có vẻ dè dặt, chiến hữu Tổng Thư Ký đã tự nguyện nêu ra một số câu hỏi mà nhiều người vẫn thường thắc mắc:

 

       - Thứ nhất: CPCMVNTD lấy tiền từ đâu để hoạt động và tổ chức một Đại Hội quy mô như Đại Hội Chính Nghĩa?

       - Thứ hai: Đời tư của chính chiến hữu Tổng Thư Ký?

 

Tự trả lời cho câu hỏi thứ nhất, chiến hữu Tổng Thư Ký cho biết bản thân chiến hữu rất tự hào về khả năng thương mại. Từ hơn 10 năm trước, tại California này, ông đã từng là nhà thầu xây cất với hơn 100 nhân công trong tay. Ông đã xây rất nhiều căn nhà từ lớn tới nhỏ, từ A đến Z và đã làm chủ rất nhiều bất động sản tại Hoa Kỳ. Ông đã dùng hầu hết số tiền ông tạo ra được để bắt đầu cho công trình xây dựng các công tác cách mạng chống Cộng. Có những lúc vì tình hình đòi hỏi, ông đã phải sử dụng đến số tiền bán căn nhà cuối cùng trong số nhiều căn nhà do ông làm chủ và gia đình ông đã phải ra ở nhà thuê. Ông lập lại một cách khiêm tốn là, làm chính trị có thể ông rất dở, nhưng làm thương mại thì ông tự hào và tự tin rất có khả năng. Bây giờ, với thành quả đạt được về mặt ngoại vận, Chính phủ có nhận được một số yểm trợ tài chánh của một vài người ngoại quốc, đại diện cho một số quốc gia yêu chuộng tự do, có cảm tình với CPCMVNTD, nhưng vì tính cách tế nhị của bang giao quốc tế, nên họ đã giao thiệp với chính phủ ta bằng tư cách cá nhân hay cơ sở thương mại có tầm vóc, qua các chương trình trao đổi hàng hóa hay dịch vụ, với các bộ phận đặc trách về kinh tài của Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương CPCMVNTD. Ông hy vọng rằng, nguồn tài trợ từ các doanh nhân quốc tế hay từ các quốc gia có cảm tình với Chính phủ, trong tương lai gần sẽ càng lúc càng dồi dào, để Chính phủ có đủ điều kiện thực hiện các chương trình, kế hoạch và công tác đã dự trù, nhằm rút ngắn ngày về giải thể chế độ CS tại Việt Nam và tiếp nhận xây dựng lại quê hương.

 

Chiến hữu Tổng Thư Ký nhấn mạnh đến điều kiện cơ bản để nhận tiếp trợ là BÌNH ĐẲNG – và TÔN TRỌNG QUYỀN QUỐC GIA TỰ QUYẾT của nhau.

 

Trả lời cho câu hỏi thứ hai, chiến hữu Tổng Thư Ký đã ứng khẩu đọc luôn một bản “tự khai lý lịch” với ngày sinh tháng đẻ, sinh quán, trú quán, học lực, nghề nghiệp trước và sau khi mất nước… với từng chi tiết rõ ràng. Ông đã thách thức bất cứ người nào có thể chứng minh một cách cụ thể là ông đã có những hành vi sai quấy, phản đạo đức như lường gạt hay gian dối…

 

Ông cho biết: sở dĩ tôi phải tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời về lý lịch của mình như vậy, là vì tôi rất phẫn uất và bất mãn về những điều bịa đặt dựng đứng, hoàn toàn sai sự thật về tôi, được viết bằng trí tưởng tượng bệnh hoạn hoặc ác ý, trên liên tiếp 2 số báo của một tờ báo phát hành tại miền Nam Cali, nhằm bôi bẩn và chà đạp uy tín cũng như danh dự của cá nhân tôi, đồng thời, xuyên tạc luôn mục đích, chủ trương và lý tưởng của CPCMVNTD đang được thực hiện.

 

Trong tinh thần tự trọng, tôi không có ý định chụp mũ người chủ trương tờ báo cũng như người viết bài báo đây ác ý nói trên là tay sai CS. Tôi chỉ thắc mắc là tại sao? Tại sao? Tại sao? Với ý đồ gì? Lại ra tay một cách hèn hạ, thiếu tự trọng, thiếu cả một chút lòng tôn trọng sự thật, khi đăng mà không cần phối kiểm, hai bài báo nhục mạ - một người đã hy sinh hạnh phúc của riêng mình, quên cả gia đình, dấn thân vào chỗ hiểm nguy để đấu tranh chống Cộng, giải phóng quê hương – và một tổ chức Chính phủ, được thành lập nhằm mục đích giải thể chế độ CSVN, bảo vệ lá cờ vàng 3 sọc đỏ và bài quốc ca của 2 nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa. Tại sao tờ báo nói trên lại phải ra tay một cách mẫn cán, nhanh nhẩu và cực kỳ thâm độc, trước cả bọn CS phi nhân gian ác để chà đạp một người tích cực chống Cộng không quen biết? và đánh phá một tổ chức Chính phủ chống Cộng chưa kịp ra mắt đồng bào, chưa hề quyên và nhận của đồng bào Việt Nam một đồng nào?

 

12 giờ 30 trưa, chiến hữu Tổng Thư Ký xin lỗi đã để cho sự xúc động của mình làm nặng lòng mọi người trong phòng hội…rồi chấm dứt bài nói chuyện trong muộn phiền, và trở về ghế Chủ Tọa… trong tiếng vỗ tay vang động hội trường. Nét bất mãn và phẫn nộ cũng sự khinh bỉ về trò chơi thiếu thẳng thắn bằng ngòi bút còn hằn trên gương mặt của mọi người.

 

Trong ánh mắt của những thanh niên thiếu nữ trẻ - được huy động đến để lo phần tiếp tân ẩm thực, tuổi họ chỉ mới mười tám đôi mươi, ra đời và lớn lên ở hải ngoại – lộ rõ lên nét ngẩn ngơ kinh ngạc: Tại sao những người lớn Việt Nam mà họ vẫn hằng ngưỡng mộ là biết cầm viết để hành một cái nghề cao quý là làm báo, mà lại làm những chuyện hồ đồ khó hiểu như vậy được?

 

Họ chưa có kinh nghiệm về những hành vi tai hại cố ý của những “kẻ thù ngồi phía sau mình trên lưng ngựa” như trong truyện cổ tích Trọng Thủy Mỵ Châu. Họ chưa bao giờ nghe câu “hàm chó không bao giờ mọc được ngà voi” của người xưa để ám chỉ về những kẻ chuyên nghề phun nọc độc hòng tạo được sự chú ý của mọi người. Họ chưa thấy những cảnh tồi tệ của loài sâu bọ đội lốt làm người chuyên “lập danh đường tắt” bằng cách chửi rủa xuyên tạc hàm hồ.

 

Ban Điều Hợp tạm ngưng chương trình hội luận để mời mọi người xuống nhà hàng trong khách sạn dùng cơm trưa cho Chính phủ khoản đãi.

 

Lần này, mọi người nghiêm trang ra khỏi phòng họp, xuống lầu trong nét mặt đăm chiêu. Một áng mây đen nào đó đang đè nặng lên tâm hồn mọi người. Dường như lòng họ đang nặng trĩu suy tư về những nhát dao túi bụi đâm tới từ phía sau lưng chí mạng, tận tình của những kẻ mà mình ngỡ là bạn, lúc nào cũng nhanh, cũng hiểm và sâu hơn những nhát dao của kẻ tử thù.

 

Bữa ăn hôm nay cũng ngon cũng nóng như ngày hôm qua, số người dùng bữa tăng lên gấp đôi, nhưng sao phòng ăn hôm nay lặng lẽ, thiếu vắng tiếng cười và lời hàn huyên bàn tán. Thỉnh thoảng, người ta nghe trong tiếng gió rít, tiếng mưa tầm tã…có tiếng thở dài ngậm ngùi.

 

Cuộc hội luận chính trị nằm trong chương trình Đại Hội Chính Nghĩa ngày thứ nhì được tiếp tục trở lại vào đúng 1 giờ 30 trưa ngày 25 tháng 1 năm 1997. Bầu không khí phòng hội đã trở nên nhẹ nhàng hơn khi giáo sư Hà Thế Ruyệt, một Ủy viên trong ban điều hợp chương trình, tuyên bố mở đầu phần phát biểu và tham luận của các quan khách.

 

Một số nguyên tắc và giới hạn của cuộc thảo luận – nhằm mục đích vừa tạo được một bầu sinh khí cởi mở và xâu dựng, vừa bảo đảm được tinh thần Dân chủ và Tự Do trong trật tự và bình đẳng cho cuộc hội luận – được giáo sư Ruyệt tuyên đọc trước, để toàn thể tham dự viên, cả khách lẫn chủ, thông qua trước khi cuộc thảo luận bắt đầu.

 

Từ đầu đến cuối, chúng tôi đếm được trên 40 nhân vật tên tuổi, đại diện cho nhiều tổ chức, đoàn thể, đảng phái, cộng đồng quốc gia chống Cộng… hoặc bằng tư thế cá nhân đã tham dự cuộc thảo luận một cách sôi nổi và hào hứng.

 

Nhiều ý kiến đóng góp rất hữu ích và giá trị được các tham dự viên đưa ra đã được các thành viên Chính phủ và mọi người ghi nhận cũng như tán thưởng một cách nhiệt liệt.

 

Các nhân vật ngoại quốc đến từ Canada, Pháp, Ý, Campuchia và một số nhật vật Hoa Kỳ có ý thức chống Cộng và có lòng với đất nước Việt Nam cũng đã phát biểu bày tỏ sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam và CPCMVNTD. Một vài nhân vật đã công khai tự giới thiệu quốc gia hay tổ chức mà họ đại diện tham dự Đại Hội theo lời mời của CPCMVNTD.

 

Lời phát biểu độc đáo và cảm động nhất là của Đại Đức Thích Nhuận Đạt. Trong vạt áo nâu sòng và bằng khí độ Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi của một sĩ phu tuy đã xuất gia nhưng một lòng ái quốc, Đại Đức kết luận lời phát biểu ngắn gọn nhưng xúc tích của mình như sau:

 

“…trưa nay, tôi đã được Chính phủ đãi tôi một bữa cơm (chay) thật ngon. Bữa cơm này khiến tôi nhớ lại những bữa cơm xưa tôi đã được ăn vào những tháng ngày trước 30 tháng 4 năm 1975. Tôi xin gọi đó là những bữa “cơm Quốc Gia”.

 

Tôi xin cầu nguyện Phật Tổ hãy phò trì cho những người con dân nước việt đang cống hiến đời mình cho đại cuộc chống Cộng quang phục đất nước Việt Nam được luôn dồi dào sức khỏe, cho CPCMVNTD mỗi ngày mỗi vững mạnh thêm để sớm hoàn tất công cuộc giải thể chế độ cộng sản trên toàn bộ quê hương Việt Nam. Tôi xin hứa sẽ đóng góp hết sức mình với quý vị khi nào quý vị cần đến, và xin cam kết sẽ không bao giờ làm kẻ “Ăn cơm quốc gia – thờ ma CS”…

 

Những lời kể của cha tôi ngày tôi còn bé, và hình ảnh một sư Trạch – với triết lý “Phá chấp” của Phật Môn, với truyền thống “Xuất gia nhưng nhập thế” khi sơn hà nghiêng ngửa của thời đại Lý Trần, bôn ba theo từng bước chân của Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng như đang lảng vảng hiện về trong phòng hội ngày hôm nay.”

 

Đúng 5 giờ 30 chiều, phần thảo luận chấm dứt để chuyển sang giai đoạn đúc kết những đóng góp thành một bản Tuyên Bố Chung.

 

Một vài ý kiến dị biệt được san bằng dễ dàng bởi những tấm lòng đến từ nhiều hướng, nhưng có chung một hoài bảo là giải thể chế độ CS bạo tàn, dựng lại quê hương Việt Nam tự do dân chủ phú cường không CS. Trong vòng 30 phút, một bản TUYÊN BỐ CHUNG được hoàn thành với sự chấp thuận của tất cả mọi người (xem bản Tuyên Bố Chung được đăng trong số báo này). Sự đề cử một người tuyên đọc bản Thông Cáo Chung trong ngày Đại Hội Chính Nghĩa 26 tháng 1 năm 1997 không một trở ngại.

 

Ban Tổ chức Đại Hội Chính Nghĩa tuyên bố bế mạc cuộc hội luận chính trị vào lúc 6 giờ 30 phút cùng ngày.

 

Cho đến hơn 7 giờ tối vẫn còn quan khách tham dự cuộc hội luận nấn ná hàn huyên đầy thân tình và hào hứng với các thành viên Chính phủ từ xa về ngụ tại khách sạn. Không phải tại họ ngại “đường xa ướt mưa”, mà vì đề tài chống Cộng – quang phục quê hương lúc nào cũng hấp dẫn và bất tận, đối với những con người nặng nợ quê hương.

 

Mưa càng về khuya càng nặng hạt! Gió càng về khuya càng buốt giá! Nhưng những thành viên Chính phủ thuộc Tiểu ban Trang trí & thiết kế, và một số thành viên từ xa về nhất là từ Ý quốc, dường như ngạo nghễ với thiên nhiên trơn ướt, thách thức với những cơn gió lạnh cắt da cuối đông, vẫn thản nhiên leo lên sân thượng của khách sạn, tháo cờ và biểu ngữ để đem đi giăng mắc và trang trí Đại Hội Trường thành phố.

 

Nơi đó, ngày mai, sẽ là nơi trắc nghiệm lại lòng người sau 22 năm sống tha hương như những vong hồn phiêu bạt, sau nhiều năm niềm tin đã bị thui chột bởi quá nhiều gian dối lọc lừa. Nơi đó, ngày mai, CPCMVNTD sẽ lần đầu tiên ra mắt đồng bào Việt Nam ở hải ngoại.

 

Nơi đó, ngày mai, các thành viên của CPCMVNTD sẽ đứng trước mặt đồng bào hải ngoại, để nhận nhiệm vụ tiến hành cuộc cách mạng giải thể chế độ CS, dành lại quê hương.

 

Vì ngày mai, nơi đó, sẽ là ngày:…

CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 Ra mắt Đồng Bào Hải Ngoại

ngày 26 tháng 1 năm 1997

 

 

Thuận thiên dã tồn

Nghịch thiên dã vong

 

Toàn bộ hệ thống truyền hình Hoa Kỳ, trong phần tin tức khí tượng, đã đồng loạt loan báo những tin tức liên quan đến cơn bão đang hoành hành trong tiểu bang California với những cơn mưa lũ gây lụt lội triền miên từ mấy ngày qua, và nhất là sự tiên đoán ngày mai, 26/1/1997, có thể sẽ có mưa lớn suốt ngày trong toàn vùng phía Nam Cali; cùng với cơn mưa xối xả kéo dài suốt đêm khiến cho tôi trằn trọc mãi đến gần sáng. Tiếng mưa đêm gây cho tôi nỗi nhớ nhà vô cớ, gợi lại tôi 2 câu thơ nghe héo cả lòng:

 

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng … nghe ta buồn buồn

 

Nhưng lý do chính khiến tôi trằn trọc đến gần sáng không phải chỉ vì nhớ nhà, cũng không phải vì 2 câu thơ trên, mà là vì lòng tôi e ngại cho ngày mai, nếu đúng theo truyền hình tiên đoán, khổ nỗi họ thường đoán đúng, thì Đại Hội Chính Nghĩa sẽ ra sao với cơn mưa to! Một đại hội trường rộng lớn với sức chứa trên dưới 3000 người sẽ trống trải và buồn thảm đến độ nào tôi khó tưởng tượng nổi. Gần 2 năm trời ấp ủ và công phu sửa soạn! Gần 200 thành viên về từ khắp nơi trên thế giới! Và gần 22 năm lang thang xứ lạ quê người!!! Chẳng lẽ định mệnh cay nghiệt với dân tộc VN, nói chung… và thử thách những con người nhiệt tình với Tổ quốc, nói riêng… đến thế sao?

 

Nhiều lần tôi đã chứng kiến cảnh những ông bầu đầy kinh nghiệm, mặt dài như cái lọ, vì cả một chương trình dạ vũ hay đại nhạc hội qui mô trong những hội trường thênh thang, đã thiếu chỗ ngồi nhưng thừa thải… chỗ nằm! Chỉ vì những cơn mưa vô duyên bất chợt. Nói chi đến những chương trình đại hội có tính cách đấu tranh chính trị, khô khan không có văn nghệ giúp vui, phải đậu xe ở parking xa, mà lại còn gặp… gió mưa bão tố! Nhất là trong thời điểm nhân gian đầy nghi vấn…

 

Thiếp đi trong giấc ngủ khi… trời nằng nặng, khi … ta buồn buồn, cho đến lúc đồng hồ báo thức reo vang. Bật ngồi dậy như có lò xo gắn dưới lưng, tôi phóng ra cửa sổ, vén màn và không ngăn được nỗi vui mừng thốt lên 2 tiếng:

 

       - Thiên thời, đúng là thiên thời!!!

 

Mặt đường vẫn còn ẩm ướt, dấu vết của cơn mưa đêm đã tạnh từ bao giờ; và ở một góc phía Đông, mặt trời cùng những tia nắng vàng rực rỡ đã siêng năng ló dạng.

 

Trên đường tới hội trường, tôi vừa lái xe vừa suy tư: chiếc lưới “Thiên La” nào đã ngăn những cơn mưa bão đúng lúc? Cây quạt “Ba Tiêu Phiến” màu nhiệm nào đã xua đuổi những lớp mây đen dày đặc vẫn bao phủ vùng trời Orange County suốt mấy ngày qua? Bàn tay toàn năng nào đã đem mặt trời về với thủ đô của người Việt tị nạn để thách thức và làm ngược lại lời tiên đoán khí tượng được xem là rất chính xác của truyền hình Hoa Kỳ?

 

Bộ mặt của thành phố “Little Saigon” hôm nay được trang điểm lại hoàn toàn mới. Sau cả tuần lễ tắm gội dưới những cơn mưa bão dầm dề, đường sá – phố phường – cửa hàng… sạch bóng như vừa mới được sơn lại. Dọc theo lề đường Bolsa kéo dài tới đầu đường Newhope, rồi từ đầu đường Newhope chạy dài vào tới đường Hazard; trên các cột điện cao, hàng mấy trăm lá quốc kỳ Mỹ-Việt (màu vàng ba sọc đỏ) được treo từ đêm qua, phất phới tung bay trước gió và dưới ánh nắng đầu xuân dìu dịu ban mai. Trên lề đường, trong những khu thương mại VN, mai vàng rực rỡ, giả có thật có, cùng với các cành đào đỏ thắm, chen lẫn với đủ các loại hoa khác, được bày bán bên cạnh các cây quất nặng trĩu… báo hiệu một Tết Nguyên Đán tha hương nữa đã gần kề. Gợi cho những con người đang mải mê với lý tưởng cách mạng giải phóng Dân Tộc cái cảm giác Đất Trời cũng đang tiép tay tô điểm cho Đại Hội Chính Nghĩa, và tuy đang hoạt động giữa phố phường đông đúc chớ không phải là tiền đồn hun hút khói sương, nhưng cũng chợt thấm thía nhớ về một bài ca xưa:

 

Nếu mai không nở… anh đâu biết xuân về hay chưa…

 

Chen chúc trong giòng xe cộ đông đúc của một sáng cuối tuần giáp Tết, người ta thấy có nhiều xe lịch sự đủ loại, trong đó có những xe gắn huy hiệu của CPCMVNTD chở các thành viên chính phủ, quan khách từ phương xa, và đồng bào VN… hướng về phía đại hội trường.

Chúng tôi đến khu vực sẽ diễn ra Đại Hội Chính Nghĩa vào khoảng 11 giờ sáng. Ngã tư Hazard và Newhope ngày thường thỉnh thoảng mới có 1 xe chạy thường. Còn hơn 1 tiếng nữa Đại Hội Chính Nghĩa mới khai mạc, thế mà hàng mấy trăm chiếc xe lớn nhỏ đã nối đuôi nhau làm nghẹt cả 2 khúc đường Hazard và Newhope, tranh nhau quẹo vào parking ngay trước của hoặc 5 parking phụ chung quanh khu vực đại hội trường Albert Salgado Community Center.

 

Các thành viên chính phủ y phục và huy hiệu chỉnh tề, chia nhau đứng ngay lối vào các parking để hướng dẫn Đồng Bào đậu xe một cách niềm nở và nhã nhặn. Rừng cờ vàng ba sọc đỏ trong khuôn viên đại hội trường tạo cho người quan sát có cảm giác như đang đứng trong vườn Tao Đàn của thành phố Sài Gòn dạo nào trong những ngày hội lớn của Dân Tộc.

 

Tiểu ban Tiếp tân túc trực chào đón Đồng Bào và quan khách từ ngoài cửa hội trường. Toán thanh niên nam nữ trẻ với dãy bàn dài ngay bên trong cửa, với quốc phục áo dài VN tha thướt, dịu dàng mời đồng bào và quan khách ký tên và danh sách lưu niệm, đồng thời phân phát tài liệu của CPCMVNTD rồi hướng dẫn vào chỗ ngồi.

 

Lưu lượng người tiến vào hội trường gồm nam phụ lão ấu mỗi lúc mỗi ồ ạt. Trên nét mặt của các thành viên CPCMVNTD đã thoáng thấy bắt đầu có nét lo ây về sức chứa giới hạn hơn 3000 chỗ ngồi của đại hội trường. Sau khi quan sát tình hình bên ngoài hội trường, Ban Tổ Chức đại hội quyết định dời chậm lại thời gian khai mạc Đại hội như đã được ấn định để chờ đồng bào. Lý do là vì còn quá nhiều đồng bào chưa vào được bên trong hội trường, nhất là đoàn xe của đồng bào đến tham dự đại hội còn đang kẹt dài hàng cây số bên ngoài bãi đậu xe.

 

Một khán đài đồ sộ với một Bàn Thờ Tổ quốc cao sừng sững trên 12 feet đã được thiết lập, đối diện với hàng ghế quan khách và các dãy bục ngồi của đồng bào.

 

Hai bên khán đài xây mặt về phía quan khách và đồng bào là 2 lớp ghế, dành cho các cấp lãnh đạo và các thành viên của CPCMVNTD ngồi, tổng cộng chừng 200 chiếc. Hội Đồng Cố Vấn, Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương, Bộ Ngoại Giao, Tổng Vụ Hải Ngoại, các Đoàn Công Tác Trung Ương, các Đoàn Đại Biểu địa phương ngồi các ghế bên phải khán đài từ phía trước nhìn lên. Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương ngồi các ghế bên tay trái. Ngoài ra, một số lớn thành viên chính phủ các cấp đã phải đứng suốt buổi đại hội vì phải quán xuyến công tác tổ chức đại hội, hoặc vì …thiếu ghế ngồi.

 

Hàng ghế dành cho quan khách ngoại quốc, các chính khách, nhân sĩ, đại diện tôn giáo, đảng phái, đoàn thể, cộng đồng… và đồng bào đến sớm hơn 900 ghế. Bục ngồi nấc thang bằng gỗ xây theo kiểu các sân vận động có sức chứa trên 2500 chỗ ngồi rộng rãi (theo tiêu chuẩn người Mỹ). Tất cả hoàn toàn không còn một chỗ trống vào lúc 1 giờ trưa. Hàng trăm người phải đứng dọc theo vách tường và bậc thang dành để đi. Rất nhiều đồng bào phải đứng bên ngoài nghe loa (được bắt ra tận bên ngoài hội trường), hoặc phải ra về vì không thể vào được bên trong.

Buổi Đại Hội Chính Nghĩa ngày cuối cùng khai mạc vào đúng 1 giờ 30 trưa ngày chủ nhật – 26 tháng 1 năm 1997.

 

Vào giờ đó, trên bầu trời khô ráo của thủ đô tỵ nạn VN, gần khu vực hành lễ, 2 chiếc phi cơ bay thành vòng tròn. Chiếc thứ nhất kéo theo phía sau một lá quốc kỳ VN thật lớn màu vàng ba sọc đỏ. Chiếc thứ hai kéo theo phía sau một biểu ngữ cũng thật lớn có hàng chữ: WELCOME GOVERNMENT OF FREE VIETNAM.

 

Mở đầu chương trình, Đại tá Lê Khắc Lý thay mặt CPCMVNTD, nhân danh Phó trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Chính Nghĩa, gửi lời chào toàn thể quan khách và đồng bào đã đến tham dự Đại Hội Chính Nghĩa ngày hôm nay. Đại tá Lý đã tóm tắt lý do và mục đích của công tác tổ chức Đại Hội Chính Nghĩa.

 

Phần nghi thức khai mạc tiếp theo bằng lễ chào Quốc Kỳ, lễ mặc niệm anh hùng tử sĩ và lễ dâng hoa cho đài tử sĩ.

 

4 quân nhân trong lễ phục của QLVNCH đã rước quốc kỳ VN cùng với lá quốc kỳ Mỹ oai nghiêm và hùng dung từ ngoài tiến vào hội trường theo nhịp bước quân hành, đến thẳng đứng nghiêm trước bàn thờ Tổ quốc, trong tiếng hát quốc ca (Tiếng gọi công dân) say sưa… vang dội và tràn đầy xúc động của trên 3000 đồng bào tham dự Đại Hội Chính Nghĩa.

 

Nhiều người, trong số có cả một quân nhân đang hầu kỳ, đã rơi nước mắt vì quá xúc động, bởi lâu lắm rồi mới được hát và nghe lại bài quốc ca, nhìn lại màu cờ gắn liền với hồn thiêng sông núi, nhất là trong bầu không khí nghiêm trang, long trọng như ngày hôm nay.Phần dâng hoa lên đài tử sĩ và cho anh linh của anh hùng dân tộc do giáo sư Ngô Trọng Anh và chiến hữu Nguyễn Hữu Chánh thực hiện.

 

Giáo sư Ngô Trọng Anh, chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn, thay mặt CPCMVNTD chính thức tuyên bố khai mạc Đại Hội.

 

Kế tiếp, Đại tá Lý giới thiệu lần lượt từng thành viên các cấp lãnh đạo và chỉ đạo của CPCMVNTD – hải ngoại. Từng thành viên một đứng lên trình diện đồng bào trong những tiếng vỗ tay vang rền như là thay cho một lời ủy thác niềm tin và mong đợi của Đồng Bào.

 

Tiếp theo là phần phát biểu ý kiến của quan khách ngoại quốc, đại diện các tôn giáo, đảng phái, đoàn thể, tổ chức và thân hào nhân sĩ quốc gia…

 

Trong phần phát biểu của quan khách ngoại quốc, người ta ghi nhận sự phát biểu của 2 vị dân biểu tiểu bang California là 2 ông Curt Pringle và Jim Morrrissey, ông thị trưởng thành phố Westminster Frank Fry, lãnh tụ Khmer Tự Do Andre Paul, tiến sĩ chủ nhiệm ngoại vận “Phong trào Nhân dân chúng ta” đến từ Ý Masimo Grannata, tiến sĩ chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Yểm Trợ CPCMVNTD Arthur Suchesk, bác sĩ cố vấn kinh tế và tài chánh đến từ Pháp Gaetan Gauthier, và ông Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam Lamont Vaston.

 

Tất cả đều đồng ý việc thành lập một chính phủ cách mạng trong lúc này là một nhu cầu cần thiết cho công cuộc đấu tranh, nhằm giải thể chế độ CS tại VN. Tất cả các diễn giả đều xác nhận “đã” sẵn sàng để yểm trợ CPCMVNTD trong công tác đấu tranh chống Cộng mà chính phủ đã đề ra. Họ cũng đồng thời cho biết, bên cạnh sự giúp đỡ của cá nhân hay của tổ chức do họ đại diện, sự vận động và kêu gọi thêm sự yểm trợ và tiếp tay của các quốc gia hay tổ chức khác cũng là điều họ đang làm. Đặc biệt, Tiến sĩ Arthur Suchesk, Chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Yểm Trợ CPCMVNTD, cho biết đã có nhiều quốc gia đồng ý ủng hộ Hội Đồng Quốc Tế Yểm Trợ CPCMVNTD trên nhiều phương diện như Pháp, Anh, Ai Cập, Nam Phi, v.v…

 

Đồng bào đã tỏ ra vui mừng và khích động khi nghe các diễn giả ngoại quốc bày tỏ cảm tình và sự ủng hộ của họ đối với quê hương VN và Hội Đồng Quốc Tế Yểm Trợ CPCMVNTD. Từng tràng pháo tay đã cắt quảng lời nói của các diễn giả nhiều lần, đã nói lên điều tri ân của đồng bào đối với những người bạn quý đến từ nhiều nước khác nhau.

 

Sau phần nói chuyện của các diễn giả ngoại quốc là phần nói chuyện của chiến hữu Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương Hội Đồng Quốc Tế Yểm Trợ CPCMVNTD. (xin xem nguyên văn trong số báo này). Có thể nói, bài nói chuyện “ứng khẩu” của chiến hữu Tổng Thư Ký là tiết mục thu hút và cảm động nhất trong chương trình Đại Hội Chính Nghĩa hôm nay.

 

Trong bài nói chuyện, chiến hữu Tổng Thư Ký đã cho biết trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào, chiến thuật và chiến lược nào mà CPCMVNTD đã ra đời trong quốc nội? Vì sao bản thân mình đã phải lặn lội trở về trong nước, sang Campuchia, rồi trở ra hải ngoại? Lập trường và mục đích của CPCMVNTD ra sao? Nhu cầu nào khiến cho Đại Hội Chính Nghĩa ngày hôm nay phải được thực hiện? Những thành quả nào CPCMVNTD đã thực hiện được trong suốt thời gian 2 năm từ ngày được thành lập đến nay? Chương trình và kế hoạch nào, có thể nói ra, sẽ được thi hành trong những ngày tháng sắp tới?...

 

Chiến hữu Tổng Thư Ký sau đó, đã trình diện với đồng bào thành phần hải ngoại của CPCMVNTD, và cho biết hội đồng Nội Các của Chính phủ cho đến hiện nay chỉ có 1 Tổng trưởng và 1 Thứ trưởng của Bộ Ngoại Giao mà thôi. Ngoài ra, công việc của chính phủ tạm thời được giải quyết và điều hành bởi Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương. Lý do là vì CPCMVNTD còn dành chỗ và mong đợi các anh hùng hào kiệt khắp nơi, nhất là từ các tổ chức và đảng phái quốc gia đến để điền khuyết và lãnh đạo guồng máy chính phủ. Đồng thời yêu cầu mọi người hãy cố san bằng mọi dị biệt và dị ứng trong quá khứ, tha thứ cho nhau những lỗi lầm đã có trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước ngày xưa, để có thể cùng đồng tâm hiệp lực đứng chung trong một chiến tuyến, một hàng ngũ chiến đấu chống kẻ thù chung của dân tộc là bè lũ CS bạo tàn, xây dựng lại quê hương trong những tháng ngày hậu CS sắp gần kề…

 

Đồng bào đã lắng nghe và gửi đến chiến hữu Tổng Thư Ký từng tràng pháo tay, lẫn tiếng hoan hô vang dội hội trường, làm cắt ngang bài nói chuyện trên 30 lần. Cũng có lúc, cả hội trường trên 3000 người im lặng, bùi ngùi thương cảm… Cuối cùng, bài nói chuyện chấm dứt bằng tràng pháo tay và những tiếng hô to tán thưởng dường như không muốn dứt, kể cả cho đến sau khi chiến hữu Tổng Thư Ký đã trở về lại ghế ngồi.

 

Đại tá Lê Khắc Lý trở lại với nhiệm vụ, tuyên đọc các thư ủng hộ CPCMVNTD của các vị thức giả, đại diện tôn giáo, tổ chức… và của một số thống đốc, dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ cũng như của các nhân vật tên tuổi trên thế giới gởi về như: Thư của Hòa thượng Thích Tâm Châu, Thượng tọa Thích Giác Lượng, Đức Ông Monsignore Andrea Nennati, ông Chủ tịch Cộng đồng VN tại Hoa Kỳ Trần Xuân Thời… cùng nhiều thư khác của các nhân vật thuộc các ngành lập pháp và tư pháp Hoa Kỳ.

 

Tiếp tục là lời phát biểu của một số quan khách Việt Nam, trong đó có Ký giả Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi, chủ nhiệm tuần báo VNTD – Chủ tịch hiệp hội báo chí VNTD – chủ tịch hiệp hội báo chí VN tại Hoa Kỳ. Ký giả Duy Sinh cho biết: “….nơi nào có đấu tranh chống Cộng, quang phục quê hương… là nơi đó có Báo Chí, có truyền thông Việt Ngữ tiếp tay…”.

 

Sau cùng là phần tuyên đọc bản tuyên bố chung của đại diện các tôn giáo, đoàn thể, đảng phái, hội đoàn và nhân sĩ…, thành quả của cuộc hội luận ngày 25 tháng 1 năm 1997. Phần này do ông Trần Văn Đang, chủ tịch Cộng Đồng VN ở New York đọc.

 

5 giờ 40 phút, Ban Tổ Chức cám ơn Đồng Bào và tuyên bố cuộc lễ bế mạc.

 

Đồng Bào cùng quan khách ra về trong trật tự và hân hoan khi phố đã bắt đầu lên đèn. Vài giọt mưa bắt đầu gõ nhịp cho trận mưa đêm.

 

Các thành viên chính phủ có nhiệm vụ trong ban tổ chức đại hội chính nghĩa loay hoay lo phần tháo gỡ và vệ sinh để trả lại hội trường cho thành phố. Nhiều đồng bào đã tự nguyện ở lại tiếp tay với tất cả niềm thương yêu trong ánh mắt.

Ra mắt CPCM VIỆT NAM

TUYÊN NGÔN CHUNG

Của Các TÔN GIÁO, ĐOÀN THỂ, ĐẢNG PHÁI, HIỆP HỘI, TỔ CHỨC QUỐC GIA

Tham Dự ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA, Ngày 25/01/1997

 

CHÚNG TÔI, NHỮNG NGƯỜI KÝ TÊN DƯỚI ĐÂY, ĐẠI DIỆN MỘT SỐ TÔN GIÁO, ĐOÀN THỂ, ĐẢNG PHÁI, HIỆP HỘI, CỘNG ĐỒNG HOẶC CÁ NHÂN, ĐÃ GẶP NHAU TRONG NGÀY 25 THÁNG 1 NĂM 1977 TẠI MIỀN NAM CALIFORNIA, HOA KỲ, ĐÃ CÙNG NHAU NHẬN XÉT RẰNG:

 

       1. Việc Cộng Sản Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam bằng vũ lực năm 1975, rồi áp đặt Hiến Pháp độc tài đảng trị của CS cho  

           toàn quốc Việt Nam là hành động thô bạo vi phạm Hiệp Định Geneve 1954 và Hiệp Định Balê 1973.

  

       2. Sau hơn 2 thập niên qua, chủ nghĩa CS đã chứng tỏ rằng sự bất lực của nó trong mục tiêu đưa Dân Tộc và tổ quốc Việt Nam đến

           độc lập, phú cường như lời tuyên truyền của cán bộ CS vẫn hàng rêu rao,

 

       3. Hàng ngũ lãnh đạo CSVN càng ngày càng lún sâu vào tội lỗi, đưa Dân Tộc đến cùng cực nghèo đói, xã hội Việt Nam đến băng hoại

           tột độ.

 

       4. Tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày nay do CSVN gây ra càng ngày càng trầm trọng, càng lộ rõ bộ mặt độc tài đảng

            trị của CS,

 

       5. Trong hàng ngũ quốc gia Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước, sự đoàn kết là nhu cầu cần thiết hơn bao giờ hết.

 

       6. Nhu cầu giải thể CS tại Việt Nam để tạo cơ hội cho một chính thể tự do dân chủ thật sự càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.

 

       7. CHÍNH THỂ VIỆT NAM CỘNG HÒA vẫn luôn luôn tồn tại mặc dù CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA đã tan rã kể từ 1975,

 

       8. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và bài Quốc Ca “Tiếng Gọi Công Dân” luôn luôn là biểu tượng thiêng liêng cho tất cả những người quốc gia.

 

          NÊN ĐÃ ĐỒNG THANH CHẬP NHẬN NHƯNG ĐIỂM SAU ĐÂY:

 

          THỨ NHẤT: Tôn Vinh CHÍNH THỂ VNCH với biểu tượng thiêng liêng của Quốc Kỳ “Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ” và bài Quốc Ca “Tiếng Gọi

                            Công Dân”.

 

          THỨ HAI: Yểm trợ Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do với thành phần chính ở trong nước, thành phầm yểm trợ ở hải ngoại   

                          trong mục tiêu giải thể chế độ cộng sản và trên căn bản lâm thời trong khi chờ đợi thực hiện một cuộc bầu cử thật sự

                          tự do cho toàn cõi Việt Nam do quốc tế kiểm soát.

 

           THỨ BA: Cuộc đấu tranh của quốc dân Việt Nam là nhằm thực hiện tự do dân chủ và phúc lợi đích thực cho toàn thể Dân Tộc Việt

                         Nam.

 

           THỨ TƯ: Tuyên ngôn Chung này luôn luôn mở sẵn cho những tôn giáo, đoàn thể, đảng phái, và nhân sĩ không tham dự cuộc họp

                         hôm nay để thuận ký sau.

 

 

Làm tại Caiformia ngày 25 tháng 1 năm 1997

Đại diện các Tôn giáo, Đoàn thể, Đảng phái, Cộng đồng, Nhân Sĩ.

TUYÊN NGÔN CHUNG

I'm a paragraph. Click here to add your own text and edit me. It's easy.

bottom of page