top of page

                           QUỐC TẾ         Cộng Sản Việt Nam         VIỆT NAM HẢI NGOẠI        Việt Nam Tự Do

   Buổi nói chuyện của ông Nguyễn Hữu Chánh

tại Washington, 1996

Bài nói chuyện (Ứng Khẩu) của Chiến Hữu NGUYỄN HỮU CHÁNH

          Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương CPCMVNTD      

                (tại Thủ Đô HOA THỊNH ĐỐN, Ngày 29 Tháng 1 Năm 1996)

 

Kính thưa Quý đồng hương,

Quý đoàn thể,

Quý đảng phái,

Quý tổ chức chính trị, đại diện tôn giáo và các chính khách của 2 nền Đệ I và Đệ II Việt Nam Cộng Hoà tại Washington D.C.

Kính thưa quý Tướng lãnh, quý cụ, quý bác, quý chú cùng tất cả anh chị em có mặt ngày hôm nay. Thật là vinh dự cho tôi khi được gặp gỡ và hàn huyên cùng quý vị trong ngày hôm nay, để chúng tôi có dịp tâm sự, trình bày một số vấn đề có liên quan đến biến cố tại Campuchia mà trong đó Chính phủ CMVNTD đã được dư luận quốc tế và cộng đồng thế giới chú ý đến và đặc biệt nhất là cộng đồng 

 người Việt hải ngoại. Lời nói đầu tiên ngày hôm nay gửi đến quý vị là lời nói chân thành của một người thanh niên đã và đang dấn thân vì đại cuộc, vì dân tộc, vì đất nước. Tôi cũng mơ ước được nói chuyện chẳng những trong phòng hội ngày hôm nay mà vẫn còn mơ ước, được nói chuyện với toàn thể đồng bào tại hải ngoại và nhất là quý vị niên trưởng, trưởng thượng cùng với tất cả quý vị đã từng lãnh đạo Miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Kính thưa quý vị: Nếu trong buổi nói chuyện ngày hôm nay có vấn đề nào sơ sót vì quá nhiệt tâm xin quý vị tha thứ cho và tôi mong rằng những sơ sót đó sẽ được quý vị bổ túc trong tình gia đình, tình tị nạn trên bước đường lưu vong. Sự bổ túc đó sẽ giúp cho giới trẻ chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc đấu tranh cho dân tộc cho Tổ quốc mà quý vị đã ấm ức và vì gãy gánh giữa đường trong biến cố đau thương năm 1975.

 

Kính thưa quý vị, trong chuyến đi này, chúng tôi đã ghé qua 6 tiểu bang và nơi cuối cùng trong ngày hôm nay là tiểu bang Massachusetts. Tôi cũng đã gặp gỡ đồng bào trong tình thân thiết như thế này. Trong bầu không khí hôm nay, với hy vọng sẽ được đón nhận sự hướng dẫn, sự chỉ bảo cũng như tất cả những ý kiến mà quý vị đã từng trải qua trong thời Đệ I và Đệ II Cộng Hoà, với những kinh nghiệm quý báu đó, chúng tôi sẽ làm hành trang trên bước đường dấn thân và đấu tranh để mang lại cho một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ và dân quyền.

Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi không có bài diễn văn cũng như không chuẩn bị chu đáo bài nói chuyện trước diễn đàn với tư cách là thay mặt chính phủ CMVNTD mà chỉ là những lời trình bày chân thật của chúng tôi trong suốt thời gian qua, cùng chia sẻ với quý vị những gì mà chúng tôi hiểu biết được ở tại quốc nội, tại Campuchia và Hải ngoại. Tôi hy vọng rằng tất cả những gì mà chúng tôi sắp sửa trình bày ở đây sẽ được quý vị thông cảm, hiểu rõ và ủng hộ cho chúng tôi trong công cuộc xây dựng và đẩy mạnh một thực thể đó là Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do.

 

Kính thưa quý vị, CPCMVNTD là một chính phủ đã được thai nghén trong suốt một thập niên vừa qua. Qua tiến trình và giai đoạn mà chúng tôi đã từng ấp ủ nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ trước khi mạnh dạn quyết định việc này. Như quý vị đã biết trong biến cố đã xảy ra tại Campuchia đã được báo chí quốc tế đăng tải cũng như báo chí cộng đồng Việt Nam hải ngoại ủng hộ và loan tin một cách nhanh chóng để cho cộng đồng người Việt chúng ta hiểu được, biết được và nhân định được thực thể đó.

Kính thưa quý vị,

 

Trong suốt thời gian qua, không những quí vị mà đồng bào hải ngoại đã thắc mắc là tại sao chúng tôi phải thành lập một chính phủ. Chính phủ CMVNTD có hợp pháp, hợp hiến, hợp lý hay không? Có được sự hậu thuẫn của quốc tế không? Tài chánh ở đâu mà hoạt động, Liên quân Kháng Chiến Đông Dương có liên hệ gì đến chính phủ CMVNTD hay không? Bravo là gì? Tại sao các thành viên chính phủ CMVNTD phải bị trục xuất khỏi Campuchia, lực lượng của chính phủ sau biến cố tại Campuchia có còn tồn tại hay không? Tại sao lại có người Mỹ tên Fred Kirkpatrick dính líu trong vụ này, tại sao lại có Andre Paul, người Miên, cũng bị trục xuất trong đợt này. Chính phủ CMVNTD có đủ sức mạnh để tạo áp lực với nhà cầm quyền CSVN không? Và còn rất nhiều câu hỏi khác mà chúng tôi nghĩ rằng đồng bào ở hải ngoại cũng như quý vị hiện có mặt ở đây muốn biết một số chi tiết, mà hiện nay quý vị đã thu lượm được trong vấn đề này. Chính vì những ưu tư đó mà chúng tôi đã cố gắng tổ chức những buổi nói chuyện trong khuôn khổ hạn hẹp này.

 

Kính thưa quý vị,

 

Trước khi chúng tôi trình bày một số điểm mà chúng tôi mới vừa nêu ra, chúng tôi xin phép được thưa đến quí vị một vài nét đại cương của quá trình thai nghén trước khi chúng tôi thành lập chính phủ cách mạng này.

 

Thưa quý vị,

 

Những năm tháng trước đây, nhất là năm 1989, chúng tôi hoạt động trong phạm vi của người tị nạn đó là chương trình đi tìm một quần đảo cho người tị nạn. Vì bà con của chúng ta ở tại Hongkong và các trại tị nạn khác như Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Thái Lan… đã bị ngược đãi và không được một đệ tam quốc gia nào nhận quyền định cư của họ. Chúng tôi đã thu xếp để tạm đóng cửa một vài cơ sở kinh doanh để đi vận động một số quốc gia và các quần đảo nhỏ ở vùng Thái Bình Dương mà chúng đã đến Vanuatu. Đó là một quần đảo cách Úc Châu khoảng 3 giờ bay. Chúng tôi đã liên lạc được với thủ tướng Walter Lini và liên hệ với quốc hội cũng như nội các của chính phủ này. Sau đó chính phủ Vanuatu đã chấp thuận và ký cho chúng tôi được quyền sở hữu quần đảo Santo nằm bên cạnh quần đảo Torres Island thuộc nước Cộng Hoà Vanuatu và Hiệp ước ký kết. Họ đồng ý nhận 50 ngàn người Việt Nam tị nạn đến định cư trên quần đảo này và cung cấp cho chúng tôi 240 ngàn hecta đất cho bà con sinh sống tại đó. Năm 1990 chúng tôi cũng đã có dịp mời ông thủ

tướng Walter Lini và ông đặc sứ lưu động Le Tero đến tại Westminster, thủ đô tị nạn Little Saigon, tiểu bang California

Trong buổi nói chuyện đó chúng tôi đã được rất nhiều người ủng hộ tinh thần cho dự án này, nhưng rồi dự án bị thất bại vì ông thủ tướng Walter Lini bị đảo chánh và tân thủ tướng lên cầm quyền không đồng ý duyệt xét, cho nên dự án không thể tiếp tục. Bên cạnh việc tìm kiếm vùng đất cho người tị nạn, chúng tôi cũng tổ chức trường dạy nghề tại thị xã Westminster đó là trường Pacific Technical Institute. Chúng tôi đã hết sức cố gắng giúp đỡ bà con mới đến định cư tại Hoa Kỳ, bên cạnh đó chúng tôi cũng đã thiết lập một Trung tâm Y tế để khám bệnh miễn phí cho bà con chúng ta ở tại thủ đô tị nạn.

 

Đó là Trung tâm Y tế Nhân Hoà và hiện trung tâm vẫn còn đang hoạt động cho đến ngày hôm nay. Năm 1991, chúng tôi đã cố gắng mời gọi một số đảng phái chính trị ở hải ngoại đoàn kết lại và tạo thành một thực thể để đấu tranh nhằm giải thể chế độ CS ở trong nước và thực thể đó được ra đời tại thành phố Santa Ana bằng một buổi lễ với khoảng 2,000 người tham dự. Thực thể đó, lấy tên là Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam với sự lãnh đạo của bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và được sự hợp tác của một số đảng phái, tổ chức chính trị khá đông đảo, trong đó có Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, Liên Minh Toàn Dân Quốc Gia và nhiều đảng phái khác. Cũng trong dịp Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam ra đời, chúng tôi đứng ra thành lập một tổ chức, chuyên viên để chuẩn bị tái thiết đất nước sau thời hậu Cộng sản. Đó là Tổng Liên Đoàn Xây Dựng & Kiến Thiết Việt Nam Tự Do, do tôi lãnh đạo để phối hợp với Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam nhằm tạo một sức mạnh hầu chứng minh cho quốc tế và thế giới cũng như đồng bào trong và ngoài nước thấy được tầm vóc của thực thể đấu tranh này.  Chúng tôi cũng đã cam kết phải bằng mọi giá xâm nhập vào quốc nội để xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo cán bộ hầu chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa mà chúng ta cần phải làm. Tôi đã tiến hành tất cả thủ tục về pháp lý với danh nghĩa của một tổ chức nhân đạo và đã được sự chấp nhận của chính phủ Hoa Kỳ. Đó là tổ chức Vinamoto.

Chúng tôi đã đáp chuyến bay đi Hà Nội vào năm 1990, cùng tháp tùng với chúng tôi còn có một số người ngoại quốc và những anh em tình nguyện lên đường. Chúng tôi đã ở lại Hà Nội khoảng một năm. Sau đó, chúng tôi vào miền Trung và cuộc hành trình tiếp tục cho đến mũi Cà Mau. Trong suốt thời gian ở Việt Nam chúng tôi đã đào tạo được một số cán bộ nòng cốt ở nhiều địa phương khác nhau và chúng tôi đã tạo được một nhịp cầu liên lạc khá rộng lớn trải dài từ Nam chí Bắc qua “Cẩm Nang Lao Động” với 2 triệu ấn bản. Đến năm 1993, chúng tôi bị nhà cầm quyền CSVN nghi ngờ, cho nên chúng tôi không thể tiếp tục lưu lại Việt Nam được nữa. Từ đó, chúng tôi quyết định chuyển hướng về Campuchia, may mắn cho chúng tôi là vào cùng thời điểm Campuchia được sự ổn định trật tự và bầu cử tự do do LHQ hỗ trợ. Thấy rõ được sự thuận lợi, cũng như nhìn nhận được thế lực của CS Hà Nội bị yếu thế tại Campuchia cho nên chúng tôi quyết định đặt cơ sở ở đây. Lợi dụng sự tự do và dân chủ tại Campuchia, tôi đã trở về Hoa Kỳ và liên hệ với tổ chức Cựu chiến binh quốc tế, đó là tổ chức Bravo, tôi đã thuyết phục được Tướng Westmoreland và ông Tony Diamond, giám đốc điều hành của tổ chức này đã uỷ thác cho tôi những văn kiện cần thiết, để chúng tôi có đủ pháp lý hầu trở về Campuchia thành lập, xây dựng văn phòng, và tổ chức cơ sở hạ tầng.

 

Cũng như quý vị đã biết, mặc dù CSVN đã rút quân ra khỏi Campuchia nhưng họ đã để lại khá nhiều các cơ phận, mật vụ, phản gián và một số bộ đội trá hình trong phần đất này. Chúng tôi đã cố gắng tìm đủ mọi cách để thâm nhập và hoạt động mạnh ở vùng đất này. Dưới hình thức của một tổ chức nhân đạo và cựu chiến binh Bravo, những năm tháng đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến Campuchia, chúng tôi đã cố gắng mời gọi các cựu chiến binh của Campuchia và rất nhiều cựu quân nhân QLVNCH đang ẩn náu nơi đây mà sau thời gian hoạt động tại chỗ, chúng tôi đã phát hiện có khá nhiều.

 

Sau biến cố 1975, những cựu quân nhân này đã tìm đường sang Campuchia để lánh nạn Cộng Sản. Vì sự an toàn cho nên họ phải sống tản mác và ẩn dật khắp nơi trên 21 tỉnh của Campuchia. Họ làm đủ các ngành nghề từ đánh cá, thương mai nhỏ lớn, chạy xe ôm cho đến thợ xây cất. Nhờ tổ chức Cựu chiến binh Bravo mà chúng tôi đã tìm được những chiến sĩ của VNCH trước năm 1975 ở đây khá đông, danh sách mà chúng tôi có được qua tổ chức này, vào khoảng 25,000 cựu chiến binh thuộc mọi quân binh chủng Quân Lực VNCH đã và đang gia nhập tổ chức Bravo. Mặt khác, chúng tôi cũng đã tổ chức một công ty xây dựng, một công ty thiết kế cầu đường và một trường dạy nghề. Đó là trường Pacific Technical School, trong thời gian chúng tôi xây dựng trường học, dạy nghề, chúng tôi đã cố gắng thực hiện những lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam để giúp đỡ cho bà con hiện đang sống lưu vong tại đây. Bởi vì sau 20 năm ở Campuchia này chưa có được một trường dạy tiếng Việt nào cho các em và các em hầu như quên mất nguồn gốc mình.

Từ tổ chức Cựu chiến binh Bravo được thành lập tại thủ đô Phnôm pênh, chúng tôi đã lần mò đến các tỉnh ven biển như Takeo, Soài Riêng, Kandal, Kompong Cham, v.v… Chúng tôi đã thiết lập nhiều văn phòng Cựu chiến binh ở những tỉnh dọc biên giới, không ngoài mục đích tìm hiểu và kết nạp một số cựu quân nhân QLVNCH đang sinh sống nơi đây. Nhờ tổ chức Cựu chiến binh quốc tế Bravo chúng tôi đã có được sự thuận lợi về pháp lý và di chuyển không gặp trở ngại nào, vì chúng tôi đã được hai Thủ tướng Campuchia (đồng nhiệm) chấp thuận cho hợp pháp hoạt động trong lãnh thổ của họ. Những năm tháng đầu tiên khi chúng tôi khai trương trường Kỹ Thuật Pacific Technical School, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ ông Đại sứ Hoa Kỳ tại đây. Đó là ông Charles Twinning và các giới chức cao cấp của Toà Đại sứ đã đến thăm viếng trường của chúng tôi. Đặc biệt là trường Pacific Technical School đã tình nguyện nhận huấn luyện cho các nhân viên cao cấp của Chính phủ Hoàng Gia Campuchia trong tất cả các bộ, bao gồm Kỷ thuật computer, Anh ngữ và đặc biệt cho các viên chức Bộ Giao thông và công chánh của chính phủ này. Chúng tôi cũng đã có những thoả ước ngầm với Bộ Quốc Phòng Campuchia mà chúng tôi sẵn sang cung ứng một số sĩ quan cao cấp của Quân Lực VNCH trong tổ chức Bravo để hỗ trợ và huấn luyện cho quân đội Hoàng Gia Campuchia để bảo vệ nền hoà bình cho đất nước này, nhất là trong giai đoạn Khmer đỏ đang tấn công quân chính phủ ở dọc biên giới Thái Lan. Được sự tiếp đón trong tình thân hữu của những vị trong Bộ Quốc Phòng, chúng tôi đã triển khai và đưa nhiều vị sĩ quan cao cấp của quân lực VNCH hỗ trợ cho quân đội Hoàng Gia Campuchia trong những trung tâm huấn luyện thuộc nhiều binh chủng khác nhau, từ những quan hệ đó, chúng tôi đã tạo được một thế đứng trên môi trường Đông Dương.

 

Kính thưa quý vị, chúng tôi đã biến hoá từ một lực lượng của chúng tôi đã tạo dựng được ở tại Campuchia trở thành một thực thể hợp pháp và đã được sự thừa nhận và ngưỡng mộ của Chính phủ nước này, nhất là đối với Bộ Quốc Phòng Campuchia. Bởi vì, quí vị cũng biết là những năm sau ngày tổng tuyển cử Campuchia. Nội các Campuchia có 3 đảng phái tham chính. Đảng Funcinpec tức là đảng của Hoàng Gia Campuchia. Đảng CCP tức Đảng Nhân Dân do Hunsen cầm đầu và lực lượng Khmer Tự Do do ông Son San lãnh đạo. Mỗi đảng phái ở tại Campuchia có quyền tuyển quân và phong chức, để tạo uy thế cho đảng của họ và tất cả đều nằm trong quân đội Hoàng gia Campuchia. Đa số quân đội của họ chưa có đủ kinh nghiệm và chưa hề được huấn luyện tại một trường lớp nào cả. Do vậy, vì nhu cầu cấp bách cho nên chính phủ Hoàng gia Campuchia rất cần chúng tôi để hỗ trợ trước khi các huấn luyện viên của Hoa Kỳ sang (năm 1994).

Sau thời gian hoạt động, lực lượng chúng tôi càng ngày càng lớn mạnh hơn và Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương được khai sinh từ đây.

 

Kính thưa quý vị, chắc chắn là quý vị sẽ thắc mắc là tại sao chúng tôi không lấy tên là Liên Quân Kháng Chiến Việt Nam; bởi vì quý vị đã biết là giữa Campuchia và Việt Nam đã bang giao với nhau, họ muốn tạo thế trung lập giữa 2 nước mà trước đây đã có sự hiềm khích và thù hận. Sau khi CSVN xâm lăng Campuchia, chúng tôi đã đệ trình và giải thích cho chính phủ Hoàng Gia về tổ chức Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương được dịch ra tiếng Anh là United Anti-Communist Soldiers of IndoChina. Có nghĩa là lực lượng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho Chính phủ Hoàng Gia khi có biến động xảy ra với Khờ me đỏ, đồng thời chúng tôi cũng cam kết với Chính phủ Hoàng Gia đây là một lực lượng của những Việt Nam mà họ đã trải qua một quá trình chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trước đây. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Chính phủ Hoàng Gia khi cần thiết, bởi vì chính phủ cũng như dân tộc Campuchia đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tạm dung và sinh sống ở đây trong những năm tháng lưu vong.

 

Trong cuộc tiếp xúc với Tổng Trưởng Ngoại Giao Norodom Sirivudth và nhiều Bộ khác, chúng tôi đã được sự ủng hộ và hậu thuẫn của họ cũng như Chính phủ Hoàng Gia Campuchia. Từ đó, chúng tôi đã triển khai Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương trở thành một lực lượng quân sự để hỗ tương, bảo vệ cho chính phủ Campuchia chống lại Cộng sản, cũng có nghĩa là chúng tôi sẽ chống lại bất cứ tổ chức nào do Cộng Sản quốc tế đạo diễn để làm nguy hại đến nền hoà bình của Cam Bốt kể cả CSVN. Chúng tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh tất cả những luật lệ do chính phủ Hoàng Gia Campuchia đề ra và chúng tôi cũng đã cam kết sẽ không có một xáo trộn hay sự đổ máu nào trên phần đất này đối với CSVN len lỏi cũng như đội lớp đang hoạt động nơi đây.

 

Kính thưa quý vị, sau thời gian mà lực lượng Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương đã được tổ chức một cách kiện toàn và có được một sức mạnh khả dĩ. Bên cạnh đó, tôi vẫn còn một vài ưu tư là làm sao để tìm một giải pháp mới hầu tạo được một thực thể có tầm vóc và thế đứng trên trường quốc tế và nhất là để đối đầu với CSVN đang ngự trị trên đất nước thân yêu của chúng ta.

Tôi đã phải trở về lại Hoa Kỳ để liên lạc và vận động một số anh chị em tị nạn CS tại quận Cam cũng như một vài tiểu bang khác trên toàn quốc Hoa Kỳ. Sau một thời gian, suốt ngày đêm bàn thảo, cuối cùng chúng tôi đã thống nhất và quyết định thành lập một Uỷ Ban Vận Động Hình Thành Chính Phủ Lưu Vong, chúng tôi cũng xin nhắc lại là chúng tôi chỉ thành lập “uỷ ban vận động…”, chớ không phải chúng tôi đã

thành lập Chính Phủ Lưu Vong. Trong suốt thời gian chúng tôi thành lập Uỷ Ban Vận Động Hình Thành Chính Phủ Lưu Vong mà quí vị đã từng nghe báo chí loan tải và thông tin trong tháng năm trước đây, trong đó có một số quí vị mà chúng tôi đã đích thân mời gọi để làm tiên phong cho cuộc vận động này, đó là Luật sư Đoàn Văn Tiên, Luật sư Trần Danh San, Giáo sư Nghiêm Phú Phát, và một số quí vị khác.

Uỷ ban Vận động đã không thực hiện được một sự hợp nhất để tiến đến Chính Phủ Lưu Vong. Bởi vì sự ủng hộ của đồng bào còn quá ít, bên cạnh đó, sự tham dự của quí vị nhân sĩ, quí vị trí thức, các anh hùng hào kiệt còn do dự, cho nên Ủy Ban phải giải tán vào khoảng tháng 2 năm 1995.

 

Vì rút tỉa được kinh nghiệm sự thất bại của Uỷ Ban Vận Động Hình Thành Chính Phủ Lưu Vong, cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của quí vị trong suốt thời gian hoạt động, giúp chúng tôi đã tổ chức, kết hợp được một số lực lượng, đảng phái, mặt trận, tôn giáo tại quốc nội cũng như các chiến sĩ VNCH đang hoạt động trong Liên Quân kháng chiến Đông Dương tại Campuchia.

 

Từ những căn bản nêu trên, chúng tôi đã mạnh dạn thành lập một Chính Phủ đấu tranh có danh xưng là Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do và chính phủ này đã chính thức ra đời vào ngày 30-4-1995, đánh dấu đúng 20 năm kể từ ngày chúng ta mất miền Nam Việt Nam. Trong ngày thành lập CPCMVNTD dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Nguyễn Hoàng Dân, một sĩ quan cao cấp trong quân lực VNCH. Anh đã trốn “học tập cải tạo” và lánh vào trong rừng để tiếp tục hoạt động trong Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết kể từ ngày quân lực VNCH chúng ta tan hàng. Anh đã lặn lội vượt biên giới Campuchia từ Miền Tây Việt Nam để đi đến Lào và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày hôm nay; với tấm lòng kiên quyết và triệt để chống bạo quyền CSVN cho đến hơi thở cuối cùng.

 

Kính thưa quí vị, trên nguyên tắc công pháp quốc tế, tôi nhận thấy ông Nguyễn Hoàng Dân có đủ yếu tố pháp nhân để thành lập một chính phủ cách mạng. Cho nên tôi tin chắc rằng chính phủ này sẽ được hỗ trợ của quốc tế trong tương lai.

Chỉ có một điều là CPCMVNTD này có được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như toàn thể đồng bào đang sống lầm than dưới chế độ kềm kẹp của CSVN hay không, đó là vấn đề rất là quan trọng mà chúng tôi nhắm đến. Trước khi chính phủ này muốn được sự ủng hộ của quốc tế, thì chúng tôi thiết nghĩ rằng chính phủ này phải được sự ủng hộ của chính người Việt Nam. Sau đó, chúng ta mới đòi hỏi Quốc tế ủng hộ chúng ta. Cho nên, trong những buổi nói chuyện như thế này, đó là nhu cầu cần thiết để được sự ủng hộ của quí  vị trước. Cho nên tôi xin mạo muội thay mặt CPCMVNTD đến đây để tâm sự và hàn huyên cùng quí vị, hầu trao đổi một số vấn đề còn khúc mắc mà chúng ta cần phải giải toả để cho quí vị hiểu được CPCMVNTD một cách tường tận và sau đó chúng tôi hy vọng quí vị sẽ ủng hộ cho chúng tôi.

 

Kính thưa quí vị: Vấn đề cứu nước và dựng nước trong tương lai đó là trách nhiệm chung của mỗi người trong chúng ta. Bởi vì chúng tôi ý thức rằng tất cả quí vị cũng như toàn thể đồng bào đã từ bỏ chế độ CSVN chắc chắn chúng ta không ai không nghĩ đến ngày trở về Tổ quốc để xây dựng đất nước. Trong thời gian qua có một số tin tức đã loan tải không chính xác, do vậy cho nên đồng bào ở hải ngoại có đôi lúc cũng ưu tư phân vân không biết hư thực thế nào. Ngày hôm nay, chúng ta gặp nhau trong tinh thần đoàn kết và xây dựng, tôi xin được trả lời và giải toả tất cả những thắc mắc đó.

 

Điều thứ nhất, tôi xin được cải chính là tôi không có phục vụ trong binh chủng Địa phương quân và tôi cũng không phải là Thông dịch viên cho đơn vị Biệt Kích Mỹ trước đây. Những năm tháng lưu vong tôi chưa bao giờ mạo nhận danh xưng tổ chức cựu chiến binh Bravo để đi đấu thầu bất cứ một công trình về xây cất cũng như cầu đường nào cả.

 

Những chi tiết mà chúng tôi đã trình bày về tổ chức cựu chiến binh quốc tế và CPCMVNTD mà tôi là một thành viên. Trong suốt quá trình hoạt động tại quốc nội, nước láng giềng Campuchia và ở hải ngoại, để bảo mật cho tổ chức cũng như bản thân và chiến hữu của tôi; cho nên chúng tôi chưa có chủ trương ra mắt đồng bào, cũng như các cơ quan truyền thông báo chí ở hải ngoại. Sở dĩ chúng tôi cần phải bạch hoá về tổ chức Bravo, CPCMVNTD và bản thân tôi không ngoài mục đích để giải toả tất cả dư luận trong thời gian qua.

 

Điều thứ hai, là trong thời gian qua có một số cơ quan truyền thông, báo chí đã loan tin vị Thủ tướng CPCMVNTD là ông Nguyễn Thiệu Chân, tôi xin được cải chính là Thủ tướng CPCMVNTD là ông Nguyễn Hoàng Dân, chứ không phải là ông Nguyễn Thiệu Chân. Bởi vì ông Nguyễn Hoàng Dân là người bạn rất thân của tôi, chúng tôi đã có một thời gian sinh hoạt chung với nhau, cùng chung quan điểm, lý tưởng và một hoài bão là làm cách nào để cho dân tộc chúng ta bớt đi đau khổ. Về phần mình, tôi đã cam kết với Thủ tướng Nguyễn Hoảng Dân là tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về công cuộc ngoại vận ở hải ngoại.

 

Bên cạnh đó, một số tin tức mà tôi không biết xuất phát từ đâu và do ai cung cấp cho một vài tờ báo. Họ cho là trong đợt xâm nhập vào quốc nội năm 1990, tôi có ký kết làm ăn với CSVN. Tôi xin được trình bày vấn đề này như sau: Năm 1990, tôi được giấy phép của Hoa Kỳ đến Việt Nam với tư cách hoạt động nhân đạo, chúng tôi đã mang đến cho dân chúng một số thuốc men cũng như để thiết lập những cơ sở, tổ chức huấn nghệ. Chúng tôi tuyệt nhiên không ký kết bất cứ văn bản nào với CS. Sau biến cố tang thương 30-4-1975, tôi là thành phần trẻ, là nhân chứng của những bất công, tù đày và những khổ đau mà CS Hà Nội đã giáng lên đầu dân tộc chúng ta, tôi có dịp chứng kiến sự đói rách, bịnh hoạn vì thiếu thuốc men của đồng bào trên mọi miền đất nước. Nước mắt tôi đã chảy, lòng tôi đã tâm nguyện là dù cho phải chịu gian khổ như thế nào tôi cũng phải tranh đấu cho dân tộc. Tôi đã làm điều đó từ khi còn ở trong nước, ở trại tị nạn và cho đến ngày hôm nay. Với một lý tưởng cao cả, một ranh giới bạn thù như thế thì thử hỏi làm sao tôi có thể đặt bút ký kết bất cứ hợp đồng nào với CS được.

 

Về vấn đề tài chánh, cũng là vấn đề then chốt mà chắc chắn quí vị đã và đang ưu tư, thắc mắc là do đâu và vì đâu, bằng phương tiện nào mà tổ chức chúng tôi có thể hoạt động và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tôi xin được trình bày như sau: Trong những năm vừa định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã khá thành công về mọi mặt, thành công nhất là về mặt kiến trúc, tôi là một nhà thầu có tầm vóc, có quá trình làm việc, gia đình tôi được khá giả và tôi đã dùng số tiền tích luỹ trong thời gian đó để đóng góp cho đại cuộc và mở tuyến đầu xâm nhập vào quốc nội và Campuchia. Sau này, lần lượt các chiến sĩ và chiến hữu của tôi cũng đóng góp như tôi đã đóng góp, chúng tôi không hề nhận bất cứ tài trợ nào, của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chúng tôi chỉ nhận được một số tài trợ khiêm nhường về thuốc men và dụng cụ y khoa từ các cơ quan từ thiện quốc tế trong tháng 10 vừa qua và đã chuyển tất cả về Campuchia để phân phát và chia sẻ với chính phủ Hoàng Gia cũng như cộng đồng người Việt của chúng ta ở tại nước này.

Kính thưa quý vị,

Hiện nay có khoảng trên dưới 1 triệu bà con chúng ta đang sinh sống trên đất Campuchia, họ rất là bơ vơ và lo sợ cho một viễn ảnh không tốt đến với họ. Từ khi đến Campuchia cho đến nay, trong quá trình hoạt động cũng như hỗ trợ hết mình cho chính phủ Hoàng Gia, chúng tôi đã chiếm được cảm tình cũng như tạo được thế đứng cho chúng tôi cũng như tất cả kiều bào chúng ta tại đây, và tiếng nói của chúng tôi được họ lắng nghe, kể cả những hiềm khích, đố kị trước đây của hai dân tộc đã bớt đi rất nhiều.

 

Vấn đề cuối cùng, tôi xin được trình bày, đó là trường hợp ông Fred Kirkpatrick. Ông là một cựu sĩ quan cao cấp trong quân lực Hoa Kỳ, ông đã từng sát cánh bên QLVNCH từ thời Đệ I và Đệ II Cộng Hoà, ông rất thương yêu người Việt chúng ta, ông muốn đóng góp một phần công sức trong công cuộc đem lại Tự Do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam, kể cả những nước khác đang bị áp bức khác trên thế giới. Trong thời gian chúng tôi hoạt động, ông Fred đã giúp đỡ cho chúng tôi khá nhiều về mọi mặt. Biến cố tháng 12-1995 vừa qua tại Nam Vang, ông cũng nằm trong danh sách những người bị trục xuất khỏi Campuchia do áp lực của CS Hà Nội buộc chính phủ Hoàng Gia phải thực hiện. Ông André Paul là chủ tịch của Tổ chức Khmer Tự Do, thay thế cho ông Sơn Ngọc Thành, sau khi ông này chết năm 1976 tại Việt Nam. Ông André Paul đã hết mình hỗ trợ cho chúng tôi, trong giai đoạn đầu tại Campuchia.

 

Kính thưa quí vị,

 

Sau biến cố tháng 12 vừa qua, về mặt nổi, chúng tôi đã bị trục xuất một số anh em về Mỹ, nhưng mặt chìm, chúng tôi đã bảo vệ được cơ sở, tổ chức và chiến hữu, những chiến hữu của chúng tôi hiện vẫn đang hoạt động dưới mọi hình thức ở khắp nơi trên lãnh thổ Campuchia, trong nhân dân, trong chính quyền, kể cả trong những mật khu dọc biên giới.

 

Một điểm rất quan trọng mà tôi xin được nhấn mạnh ở đây, là CPCMVNTD của chúng ta – SẼ KHÔNG BAO GIỜ TAN RÃ ĐƯỢC – bởi vì các chiến hữu của CPCMVNTD đã và đang len lỏi vào được những cơ cấu, tổ chức, từ chính quyền địa phương cho đến trung ương trong chính phủ Hoàng Gia, kể cả trong nhân dân hai dân tộc Việt-Miên.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã được sự hỗ trợ của Đệ Nhất Thủ Tướng, là ông Norodom Ranarithdd, bởi vì ông ta đã nhìn nhận được một thực thể, một lực lượng khá đông của người Việt, họ làm việc và hoạt động trong đủ mọi ngành nghề. Họ là một thực thể mà trong tương lai có thể sát cánh với dân tộc Campuchia để chống lại CSVN nếu có mưu đồ trở lại đất nước này.

 

Trong phần nói chuyện hôm nay, tôi thành thật xin lỗi là còn một số vấn đề tôi không thể trình bày được ở đây, vì sự bảo toàn tổ chức, sự an nguy của chiến hữu, mong quí vị thông cảm cho. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương và phân hoá một cách thảm thương như hiện nay tại hải ngoại, sự phá rối của CS cũng như sự đánh mất niềm tin của quí vị, của đồng bào, do một vài tổ chức chính trị trước đây, cho nên trong công cuộc vận động lần này của chúng tôi đã gặp phải nhiều khó khăn.

 

Với tinh thần yêu nước và lòng quả cảm của thế hệ trẻ trên bước đường dấn thân cứu nước, tôi thiết tha kêu gọi toàn thể quí vị cũng như toàn thể đồng bào hãy hỗ trợ, hãy tiếp sức với chúng tôi trong công cuộc cứu dân tộc và tổ quốc ra khỏi nanh vuốt CS. Bên cạnh đó, còn một vài tác động khác mà đồng bào chúng ta gặp phải, đó là lệnh bỏ cấm vận mà chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập với CSVN, nhưng tôi xin được thưa rằng, CPCMVNTD là một Chính phủ cách mạng, được thành lập tại quốc nội. Hoa Kỳ chấp thuận cho chúng ta được quyền tị nạn chính trị, thì ngược lại Hoa Kỳ, kể cả những quốc gia tự do khác trên thế giới sẽ không phản đối việc chúng ta ủng hộ CPCMVNTD trong công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền theo chiều hướng diễn biến hoà bình chung của thế giới.

 

Phần sau cùng là chúng ta phải làm sao để Hoa Kỳ và tất cả quốc gia tự do phải thừa nhận CPCMVNTD là một thực thể hiện hữu, thì trước hết quí vị tiền bối nơi đây, anh chị em sinh viên học sinh cùng toàn thể đồng bào ở hải ngoại cần công nhận Chính Phủ này. Nếu chúng ta làm được việc đó, thì tôi tin rằng công cuộc cách mạng sẽ thành công và ngày trở về tổ quốc không còn bao lâu nữa.

 

Với những lời nói hôm nay của chúng tôi xuất phát từ đáy lòng, không mỹ từ, không diễn văn và chỉ có một mục đích duy nhất là chân thành kêu gọi cùng đoàn kết và hỗ trợ cho CPCMVNTD trong nỗ lực đấu tranh giải thể CS, đem lại tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Chúng tôi sẵn sàng tiếp kiến những đóng góp cũng như những thắc mắc của quí vị trong tương lai tại các văn phòng Đại biểu CPCMVNTD tại California, Washinton D.C., Massachusetts, Texas, Washington State và nhiều tiểu bang khác tại Hoa Kỳ.

 

Sự tiếp tay của quí vị sẽ giúp cho chúng tôi có điều kiện thuận lợi để ngăn chận sự đánh phá của bọn nằm vùng, bọn phản gián CS Hà Nội đang len lỏi và trà trộn trong chúng ta.

 

Tôi xin thay mặt toàn thể anh chị em chiến hữu tại quốc nội, tại biên thuỳ Đông Dương xin gởi đến quí vị cùng toàn thể đồng bào lời chúc mừng an khang thịnh vượng. Đồng bào hãy ủng hộ cho chúng tôi, cho CPCMVNTD trong bước đường trực diện với CS trong nay mai. Và tôi cũng xin được thay mặt Thủ tướng Nguyễn Hoàng Dân và CPCMVNTD gởi đến quí vị cùng toàn thể đồng bào lời chào thân ái!

 

 

                                                                                              NGUYỄN HỮU CHÁNH

                                                                 Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương CPCMVNTD

I'm a paragraph. Click here to add your own text and edit me. It's easy.

I'm a paragraph. Click here to add your own text and edit me. It's easy.

bottom of page