top of page

THAM LUẬN

Các hệ thống truyền thông phục vụ cộng động rộng khắp thế giới, đem đến tin tức, văn hóa, hữu ích thực tế trong sinh hoạt đời sống thường ngày, gồm đủ các chương trình thích hợp cho mọi lứa tuổi.

 

Xem trên máy vi tính qua Website, hoặc tải Apps ứng dụng trên điện thoại di động Smartphone và Tablet (máy tính bảng).

CHIẾN LƯỢC

CHUYỂN HÓA CHÍNH TRỊ

TRONG VẬN ĐỘNG LỊCH SỬ

TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA MỘT TÂM HỒN CÁCH MẠNG TRONG SÁNG:

Lời mở đầu: Sự thành lập Chính Phủ Việt Nam Tự Do cách đây 10 năm, trước hết dựa trên căn bản CHÍNH DANH, truyền thống lịch sử và thực tại chính trị. Từ Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do ra đời. Ngày 30-4-1995 đến Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Tự Do trình diện trước Quốc Dân Đại Hội Kỳ II, ngày 2-1-1995 vừa qua, trước và sau đều theo tiến trình từng bước một của chiến lược CHUYỂN HÓA CHÍNH TRỊ trong VẬN ĐỘNG LỊCH SƯ, khởi điểm từ tổ chức kháng chiến Bảo Long Phục Quốc sau ngày 30-4-1975 do một người lãnh đạo: Ông Nguyễn Hữu Chánh mới 25 tuổi đời, xuất thân trường Cao Đẳng Công Chánh, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn. Sau chuyến trở lại Việt Nam năm 1992 rồi qua Cao Miên để nhận định tình hình và móc nối lại các cơ sở bí mật cũ trong gần một năm trời, ông nguyễn Hữu Chánh trở lại Hoa Kỳ mùa hè năm 1993 với một quyết tâm, quyết chí: Phải hành động để cứu dân cứu nước và phát động một cuộc cách mạng nhân bản, toàn diện và toàn bộ.

Ngày 4-7-1993 nhằm vào ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, ông Nguyễn Hữu Chánh gặp lại một số đồng chí và chiến hữu ở tư thất của một nhà cách mạng, nguyên là Quân Ủy Trưởng của Đảng Duy Dân tại Sài Gòn trước năm 1975. Nơi đây, bên bờ Thái Bình Dương, cách quê hương yêu dấu nửa vòng trái đất, nhóm hạt tâm Cách mạng ra đời vẫn do người trẻ Nguyễn Hữu Chánh chủ trì. Cuộc tâm đàm tại Huntington Beach, Quận Cam, California kéo dài từ 5 giờ chiều đến quá 2 giờ sáng hôm sau, ngày 5-7 mới kết thúc, vẫn với quyết tâm: Phải HÀNH ĐỘNG và phát động cuộc đấu tranh cách mạng từ hải ngoại để GIẢI PHÓNG DÂN TỘC đưa Tổ Quốc kính yêu đến phú cường, dân chủ và tự do. Lúc ấy, ông Nguyễn Hữu Chánh, vừa ngoài 40 tuổi đời bước ra nhận lãnh trách nhiệm lịch sử với châm ngôn của ông cha: “DĨ NHÂN TRỊ BẤT NHÂN”, tức là lấy lòng nhân để trị tập đoàn bất nhân đang thống trị quốc dân Việt Nam. Trong suốt 10 năm, kinh qua bao nhiêu khó khăn, đầy nghiệt ngã và oan trái đến thật phũ phàng, bất nhân và bất nghĩa, “tứ bề thọ địch”, người trẻ Nguyễn Hữu Chánh vẫn vượt thắng và chiến thắng với một vũ khí đầy truyền kỳ và hiệu quả: “ nhẫn phục chi đại đạo”, tức lấy sự nhẫn nhục và trì chí làm đạo lớn để chỉ đạo bản thân mà ông Chánh là một thể hiện cụ thể. Và đó là giá trị rất cao đẹp của một con người cách mạng trong sáng. Không phải một ngày, một tháng, một năm mà có được một hào kiệt cách mạng. Danh nhân Nguyễn Trãi từng nói, sự kiện cường dũng liệt của các hào kiệt hôm nay (khởi nghĩa Lam Sơn) không phải bỗng dưng mà có. Sự kiên cường dũng liệt ấy đã có nguồn gốc lâu đời của ông cha ta. Một Nguyễn Hữu Chánh 25 tuổi dựng cờ dấy nghĩa phục quốc từ Rừng Lá đến Bình Định rồi lên Tây Nguyên; từ Đà Nẵng ra Quảng Bình rồi về Đà Lạt, Sa Thầy - Kon Tum, qua Mỹ rồi trở về nước, một Nguyễn Hữu Chánh đầy huyền thoại truyền kỳ là một Nguyễn Hữu Chánh với biệt danh Tây Sơn đã được di sản tuyệt vời của ông cha: “Tay dơ lấy nước mà rửa. Nước dơ, nước nhục lấy gì mà rửa? Lấy máu mà rửa” (Lời vua Duy Tân).

Giáo Sư CAO THẾ DUNG

(Lý thuyết gia Đảng Dân Tộc Việt Nam)

Tây Sơn Nguyễn Hữu Chánh xuất thân từ một gia đình cách mạng: Thân phụ ông là một đảng viên lão thành và thuần thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau năm 1975, cụ bị Cộng Sản bắt giam, trải qua những trận đòn hằn của kẻ thù, cụ qua đời do hậu quả những năm tháng trong lao tù Cộng Sản đầy cực hình. Đó cũng là bậc tuần đạo, tử đạo của cách mạng dân tộc. Đạo làm dân, đạo làm người, cụ sống và chết với châm ngôn của cụ Phan Bội Châu, chủ tịch danh dự VNQDĐ: “Dân không duy vật, dân chẳng duy tâm. Dân chỉ DUY TÂN”. Cách mạng là bao dung, là kiên trì, thường trực, ẩn nhẫn và QUYẾT LIỆT”. Tây Sơn Nguyễn Hữu Chánh có những đức tính ấy.

Nhờ được hưởng một nền giáo dục làm người của đạo dân tộc cách mạng do từ bản chất và giòng máu của ông cha, người trẻ Tây Sơn Nguyễn Hữu Chánh mới có thể đủ sức đương đầu và tồn tại rồi chiến thắng cuộc “khủng bố TRẮNG” suốt 10 năm qua (bị xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo, bị cô lập, bủa vây đánh phủ tứ bề, đủ mặt, đủ cách). Cuối cùng, ngày 31-10-2004, ông Nguyễn Hữu Chánh được các tổ chức quốc tế, từ Do Thái đến Hồi giáo Trung Đông, từ Đông Nam Á đến Hoa Kỳ; Vàng, Đen và Trắng bầu ông làm chủ tịch “Phong Trào Quốc Tế Chống Khủng Bố” (March Against Terror – International), có trụ sở hoành tráng đặt tại khu trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Mặc nhiên, ông Nguyễn Hữu Chánh đã trở thành nhân vật chính trị quốc tế. Mà ông đã là nhân vật quốc tế trong khu vực Đông Nam Á từ nhiều năm qua. Cách mạng là triệt để, ẩn danh, biệt danh, kể cả vô danh, chỉ có cái danh của tập thể cách mạng và của dân tộc là đáng kể nhất. Ông Nguyễn Hữu Chánh đã học được những đức tính căn bản ấy của cách mạng từ các bậc tiền bối, và từ Thân phụ, từ Nhạc phụ ông.

Trước hơn 6000 đại biểu và đồng bào tại Quốc Dân Đại Hội Kỳ I, ngày 30-6-2002, ông Nguyễn Hữu Chánh đã được bầu làm Thủ Tướng Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do, mặc dầu ông nhất định từ chối một cách chân thành nhưng do nhiệt tình trong “trận bão chân thành vỗ tay hoan hô” giữa một rừng cờ vàng ba sọc đỏ, đồng bào đứng dậy vẫy cờ, biểu quyết, bầu ông làm Thủ Tướng. Ông Nguyễn Hữu Chánh miễn cưỡng phải nhận lời và long trọng tuyên thệ nhận chức trước bàn thờ Tổ Quốc tại hội trường Anaheim Convention Center, chật kín đồng bào và chiến hữu.

Sau một thời gian ngắn, ông từ nhiệm, trở về Đông Nam Á hoạt động. Dù vậy, Việt Nam Tự Do (VNTD) vẫn mặc nhiên do ông Nguyễn Hữu Chánh lãnh đạo. Một danh nhân Pháp trong cách mạng Dân Quyền Pháp 1789 đã nói:”Cách mạng là giải thể cá nhân mình cho đến số không”. (se réduire à zero). Ông Nguyễn Hữu Chánh đã làm như thế! Trong suốt quá trình hoạt động từ năm 1975 đến nay, ông đã tuân thủ nguyên tắc “cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo”. VNTD là một tập thể đa nguyên, đa đảng, đa diện nhưng nhất trí và có lãnh đạo, một cơ phận lãnh đạo tối cao mà ông Nguyễn Hữu Chánh đã hy sinh và quên cái Tôi của mình để sống với cái Tôi chung của tập thể, cái Tôi chung của dân tộc. Và, đó là đức tính cao đẹp của người cách mạng, cách mạng từ tận tâm thân và trí tuệ.

Ngày 27 và 28-1-2004 vừa qua, trong suốt 2 ngày dài hội họp liên miên của cơ phận lãnh đạo “đóng kín cửa” bàn luận, kể cả tranh luận về một giải pháp mới trong một giai đoạn mới trước tình thế mới để cùng lấy một quyết định chung. Hội nghị đã đi đến quyết định sơ khởi, với dự trù mời Đại Tướng Nguyễn Khánh, cựu Quốc Trưởng VNCH đứng ra lãnh đạo VNTD để ông Nguyễn Hữu Chánh có thể dồn mọi nổ lực cho thời điểm 2005 với quyết tâm, quyết chí giải thể chế độ XHCNCSVN. Tuy có một số thành viên trong cơ phận lãnh đạo còn phân vân về “giải pháp Nguyễn Khánh” nhưng chung cuộc với nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” đồng thời “đa số trân trọng lắng nghe ông Nguyễn Hữu Chánh”. 

Cơ phận lãnh đạo VNTD rồi cả Hội Nghị 3 cơ chế bằng 100% tiếp tục đề cao và tín nhiệm sự lãnh đạo của ông Nguyễn Hữu Chánh nên cũng hoàn toàn tín nhiệm sáng kiến của ông “mời Đại Tướng Nguyễn Khánh đứng ra lãnh đạo VNTD”, mặc dầu Đại Tướng Khánh không phải  là đảng viên Đảng Dân Tộc Việt Nam, ông vẫn giữ tư thế độc lập của một cựu quân nhân. Với sáng khiến và quyết định như trên, quả thực và rất rõ rệt, ông Nguyễn Hữu Chánh đã không “tham quyền cố vị”, ông đã tự giải thể cái tôi của một người trẻ đầy năng động để dâng hiến cái tôi của ông, bản thân ông và thân thể ông cho đại nghĩa dân tộc. Nào đã mấy ai hành xử như ông Nguyễn Hữu Chánh? Một người trẻ tuổi không một liên hệ mảy may với chế độ VNCH. Thời Tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo vào lúc ông còn là một học sinh trường Bồ Đề, Nha Trang. Ông cũng chẳng liên hệ về chính trị, kể cả quân đội những năm sau đó dưới chế độ Đệ II VNCH khi ông còn là học sinh lớp 12 (Đệ Nhất) trường Trung Học Công Lập Võ Tánh, Nha Trang rồi sinh viên cao đẳng Công Chánh Sài Gòn cho đến ngày chế độ cáo chung. Nói một cách nôm na, ông Nguyễn Hữu Chánh và thế hệ trẻ của ông dã chẳng “nợ nần” hay trách nhiệm với chế độ VNCH mà ông đã lớn lên. Nói như trên, có thể chúng tôi bị phê bình là “tâng bốc” thì sự tâng bốc ấy chẳng qua cũng chỉ là sự thật, không phải riêng chúng tôi (CTD) mà tất cả các thành viên cơ phận lãnh đạo đều đã thực chứng về tinh thần hy sinh cao độ, đức ẩn nhẫn và khiêm nhường của ông Nguyễn Hữu Chánh, đã hy sinh đến mức không còn gì để hy sinh hơn nữa”, cụ Nguyễn Huy Đẩu (nguyên Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, đương nhiệm Chủ Tịch Hội Đồng Tư Pháp CPVNTD – LTS) nói như thế. Thật vậy, người trẻ Tây Sơn đầy lửa nhiệt tình, nhiệt vọng và năng động đã “hy sinh”, nếu goi là hy sinh cả quyền lãnh đạo và danh dự lãnh đạo VNTD để trao lại cho một bậc lão thành ở tuổi 80 theo yêu cầu của tình thế cách mạng. Ông Nguyễn Hữu Chánh vẫn không coi đó là sự hy sinh mà chỉ là quyết định của trí tuệ cách mạng theo đồng thuận nhất trí của tập thể cách mạng. Chuyển quyền lãnh đạo VNTD qua Đại Tướng Nguyễn Khánh, đối với ông Nguyễn Hữu Chánh và tập thể lãnh đạo VNTD và đảng Dân Tộc Việt Nam là cách ứng xử (comportment) trước tình thế mới.

Ở vị trí lãnh đạo được các chiến hữu và đồng chí 100% tín nhiệm như ông Nguyễn Hữu Chánh, mấy ai lại chịu từ bỏ địa vị lãnh đạo để ứng xử như trên? Hồ Chí Minh đã giữ chức Chủ tịch đảng CSVN  cho đến chết. Phạm Văn Đồng ôm ghế Thủ Tướng gần 30 năm cho đến lúc về già, mắt đã lòa, lực đã kiệt. Về phía quốc gia, vô số các lãnh tụ cứ ngồi mãi trên ghế lãnh tụ, dù có khi chỉ là “hữu danh vô thực”. Hảo danh là bản tính của một phần nhân loại, dù có khi chỉ là hư danh. Hành động chuyển quyền lãnh đạo VNTD  của người trẻ Nguyễn Hữu Chánh qua tay bậc lão niên Nguyễn Khánh dù là cách ỨNG XỬ thì xưa nay ít khi nào xảy ra cách Ứng Xử nào cao đẹp như thế. Chỉ có một lần duy nhất trong lịch sử: Năm Bính Ngọ 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ với dánh nghĩa “phò Lê diệt Trịnh” đem quân Bắc Tiến, lấy Thăng Long và an định Bắc Hà không quá một mùa trăng rồi lại rút quân về Thuận Hóa. Cả Bắc Hà đã nằm trong tay, người anh hùng áo vải Tây Sơn vẫn một lòng tôn phò vua Lê Cảnh Hưng lại lấy lễ bầy tôi mà hành xử, “vua mời Văn Huệ ngồi. Văn Huệ rụt rè, không dám ngồi, nhà vua ép mãi Văn Huệ mới ngồi ghé vào cạnh chiếu. Huệ tâu: “Tôi vốn người áo vải ở Tây Sơn, nhân thời cơ nổi dậy. Tuy cơm áo triều đình không được triều đình ban cho, nhưng tôi ở nơi rừng rậm xa xăm, lâu nãy vẫn kính mến Thánh Đức ngày nay được thấy thiên nhan, mới đủ giải bầy tấm lòng thành thực…” (Cương Mục, chính biên, Q.XLVI,t.24), Bắc Bình Vương dâng sổ sách dân, binh lên vua để tỏ lòng trung tín. Nguyễn Huệ cúi đầu, tâu vua: “Thần vì tôn phò (Hoàng Gia) mới đến đây, chứ đâu kể đến công lợi. Đó là tuân lòng Trời, chứ không phải sức người làm được” (xem: Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Ký.T.II. Bản dịch của Hoa Bằng, trang 328-329). Đúng 219 năm sau, ngày 1-1-2005, trước 563 đại biểu Quốc Dân Đại Hội tại hội trường Anaheim Plaza Center, người trẻ Tây Sơn Nguyễn Hữu Chánh đã giới thiệu Đại Tướng Nguyễn Khánh với Đại Hội, trân trọng đề nghị ứng cử viên Quốc Trưởng VNTD và Đại Tướng Khánh đã đắc cử với số phiếu 99%. Ngày hôm sau, 2-1 tại hội trường Anaheim Convention Center, với nghi lễ quân cách thật long trọng ông Nguyễn Hữu Chánh hướng dẫn Quốc Trưởng VNTD vào hội trường. Hơn 6000 Đại Biểu và đồng bào nhất loạt đứng lên giữa một rừng cờ chào mừng. Trước bàn thờ Quốc Tổ uy nghi, khói hương bát ngát hồn nước, với ba hồi trống chiêng vang lừng: hồi thứ nhất dân Trời: hồi thứ hai dâng Đất tức dâng Mẹ; hồi thứ Ba dâng người, điểm suốt 9 tiếng tức cửu tộc “chín đời” tức quốc dân, ông Nguyễn Hữu Chánh long trọng giới thiệu tân Quốc Trưởng VNTD Đại Tướng Nguyễn Khánh với quốc dân. Trẻ và già hai thế hệ cùng nhất trí đồng tâm hướng về Tổ Quốc Việt Nam, trẻ và già cùng nguyện một quyết tâm giải phóng dân tộc, quang phục Việt Nam, canh tân và dân chủ hóa đất nước muôn ngàn yêu dấu.

CHIẾN LƯỢC VẬN ĐỘNG LỊCH SỬ

Ông cha ta đã dạy: “ Danh có chính, ngôn mới thuận, lễ nhạc mới thành”. Văn hóa là Lễ và là Lễ đạo. Phi lễ phi văn hóa, người xưa đã long trọng nói như thể (Xem: Phạm Đình Hổ. Bàn về Lễ, “Lễ là tiết văn của lẽ Trời”. Nam Phong tạp chí, số 123. Tháng 11-1927, trang 455-465). Ngày đầu năm 1994, Hội Nghị ban lãnh đạo mật do chiến hữu Nguyễn Hữu Chánh chủ tọa với chủ đề: “nên tổ chức cuộc đấu tranh cách mạng như thế nào? Lập một Đảng mới, Mặt trận, Lực lượng, Liên minh hay Phong trào?”. Ông Nguyễn Hữu Chánh đề nghị: “Lập chính phủ để đối đầu với bạo quyền CSVN”. Sau nhiều giờ bàn thảo, hội nghị nhất trí tán đồng. Nhưng vấn đề lại nan giải: Vì chữ Lễ đối với đồng bào hải ngoại và các Đảng, Lực lượng, Liên minh chính trị cũng như cộng đồng và các tổ chức Tôn giáo nên không thể thất lễ, bỗng dưng lập một chính phủ rồi áp đặt lên các Tổ chức hiện hữu. Tại sao không lập Đảng mới, Mặt trận, Liên minh…mà lại lập Chính phủ? Câu hỏi tại sao đã được sáng tỏ: Đảng, MT, LM,PT v.v… đã trung hòa, nhiều trường hợp đã bị dị ứng. Chúng tôi (CTD) phát biểu trước hội nghị qua kinh nghiệm bản thân thì Đảng, MT, LM, PT…hết thẩy đều đã bế tắc, nếu không muốn nói thẳng ra rằng, đã bất lực hoặc chỉ có một khả năng quá giới hạn phân hóa, chia năm sẻ bảy. Kinh nghiệm hơn 5 năm lãnh đạo VNQDĐ hải ngoại với tư cách Bí Thư Trưởng và Chủ tịch Hội Đồng Lãnh Đạo và nhiều năm làm Cố Vấn Đặc Biệt và rất thân thiết của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (Chủ tịch Liên Minh Dân Chủ và Tổng Bí Thư đảng Tân Đại Việt tức ĐVQDĐ miền Nam) tôi (CTD) kết luận: “Vào lúc này (2004)…nếu tổ chức Đảng hay MT, LM và PT mới sẽ thất bại. Một đảng cách mạng với truyền thống tranh đấu lâu đời với một đảng sử rất hào hùng nhưng một năm cũng chỉ kết nạp được 5, 7 tân đảng viên. Thực sự là không đảng nào vận động được quảng đại quần chúng. Sau khi MTQGTNGPVN đỗ vỡ, đồng thời cũng phá vỡ niềm tin của quần chúng rồi chia đôi thì thật bất hạnh, cuộc vận động lịch sử và đấu tranh đã bị đóng băng, rồi băng rã…”. Do vậy chỉ có phương thức lập Chính phủ là thích hợp và sẽ vận động được quần chúng và vận động lịch sử cho hướng đi tới. Không còn phương thức nào thích hợp và hiệu quả hơn sáng kiến lập Chính phủ của ông Nguyễn Hữu Chánh”. Ông Nguyễn Hữu Chánh đề ra “Phương thức Chính Phủ VNTD” nhưng ông lại quyết liệt từ chối nhận lãnh vai trò Thủ tướng Chính Phủ.

Cách mạng có chính trị của cách mạng, ông Nguyễn Hữu Chánh cùng cơ phận lãnh đạo mời Luật Sư Trần Danh San hợp tác cùng một số nhân vật nổi tiếng như Giáo sư NVK (ĐH Đà Lạt) làm việc toàn thời gian để tìm kiếm một nhân vật có đủ uy tín và khả năng đứng ra lập chính phủ. Đồng thời ông Nguyễn Hữu Chánh âm thầm du hành đến nhiều tiểu bang Hoa Kỳ từ Tây qua Đông, từ Bắc xuống Nam tiếp xúc và đạt lời mời hơn 30 cựu tướng lãnh trí thức, nhân sĩ và những sĩ quan cao cấp có tầm vóc (Thí dụ, mùa Đông năm 1994 cùng đi với chúng tôi và bà Phạm Lệ Trinh, Chủ tịch Liên Đoàn Cử tri toàn quốc, ông đã đến thăm Thiếu trướng Nguyễn Ngọc Loan, tâm tình từ 6 giờ chiều đến gần 11 giờ khuya. Bà tướng Loan ân cần khoản đãi một bữa cơm chiều rất thịnh soạn. Tướng Loan nhiều lần đưa tay bắt tay ông Nguyễn Hữu Chánh, lắc đi lắc lại tỏ bày đồng ý phương thức mới và thành lập Chính phủ VNTD. Lúc tạm biệt, tướng Loan nhắc đi nhắc lại:”Được lắm, cứ làm đi…”). Ông Nguyễn Hữu Chánh còn tiếp xúc với nhiều chính khách và giới lãnh đạo Đảng phái (thí dụ như Cụ Phạm Đình Liệu, bậc tôn trưởng lão thành, thế hệ cố Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và là Đại biểu Tỉnh đảng bộ Ninh Bình, dự Đại hội thành lập VNQDĐ ngày 25-12-1927. Thí dụ như BS Nguyễn Tôn Hoàn, Chủ tịch Đảng Tân Đại Việt và là người đã đến thăm và ở lại nhà ông Nguyễn Hữu Chánh nhiều lần). Có thể nói cuộc vận động của ông Nguyễn Hữu Chánh trong suốt năm 1993 đến đầu năm 1995 đã CHUYỂN ĐỘNG. Nhưng không tìm kiếm ra người đứng ra làm Thủ Tướng, Luật sư Trần Danh San và Luật Sư Đoàn Văn Tiên phải chính thức công bố là đã thất bại rồi từ nhiệm. Nhưng ít nhất sau nhiều tháng làm việc toàn thời gian, nhóm Luật sư Trần Danh San đã cho rằng đồng bào thấy Tổ chức VNTD rất danh chính ngôn thuận, tuyệt đối không áp đặt nhân vật này, nhân vật nọ làm Thủ Tướng. Đó là chữ Lễ và là lễ đạo mà Tổ chức VNTD tuyệt đối tuân thủ trong sự kính mến đồng bào các giới và các tổ chức đấu tranh hiện hữu cũng như Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại.

THEO DẤU CHÂN LỊCH SỬ:

Cuối cùng, Chính Phủ Cách Mạng VNTD đã ra đời vào ngày 30-4-1995 với Thủ Tướng là ông Nguyễn Hoàng Dân. Đấu tranh cách mạng là ẩn danh và bí danh, kể cả vô danh. Đó là nguyên lý cách mạng. Năm 1912, Sào Nam Phan Bội Châu đã thành lập Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam ở Hoa Nam, dứt hẳn chế độ dân chủ do đảng Việt Nam Quang Phục Hội lãnh đạo. Kỳ ngoại Hầu Cường để vẫn là Hội Chủ, lãnh đạo tối cao kiêm Bộ Trưởng Tổng Vụ. Cụ Phan Bội Châu lãnh chức Tổng Lý (Thủ Tướng), Quốc kỳ là cờ Ngũ tinh liên châu, năm sao đỏ trên nền cờ vàng, thành lập Quân đội với quân kỳ nền đỏ, 5 sao trắng (Xem: Phan Bội Châu Niên Biểu. Nxb VSĐ 1957, trang 140-141-Cao Thế Dung, VN Thuyết Lệ Sử. ĐHxb 1996, trang 492-49 – Chương Thân, Tân VN của Phan Bội Châu – tài liệu sưu tầm. Nghiên Cứu Lịch Sử, số 78, tháng 4-1965). Vậy thì, gần 83 năm sau, người đấu tranh hải ngoại thành lập một Chính phủ cũng không có gì gọi là nghịch thường, trái lại đã rất thích hợp với tình thế khi Hoa Kỳ và VNCS thực hiện lộ đồ 4 bước để đi đến thiết lập bang giao giữa hai nước.

 

RỒNG TRỜI XUẤT HIỆN: THIÊN ĐỨC VÀ VIỆT NAM TỰ DO

Tiên liệu khi Hoa Kỳ và VNCS bắt tay nhau. Hà Nội lập Tòa Đại Sứ ở Hoa Thịnh Đốn, ngọn cờ Đỏ Sao Vàng, cờ của đảng CSVN sẽ tung bay ở Mỹ và trước Sứ quán VNCH cũ nay là Sứ quán của VNCS. Tình thế ấy sẽ trở nên nghiêm trọng, Cộng đồng Việt Nam hải ngoại trên 90% là dân tỵ nạn CS, xuất phát từ miền Nam Tự Do (VNCH), sẽ “hụt hẫng”, sẽ dao động và sẽ phải đương đầu với nhiều thách đố ngay từ phía chính quyền Dân Chủ Bill Clinton mà bản thân ông và đệ nhất phu nhân Hillary vốn là dân Tả Phái và phản chiến. Vấn đề khẩn cấp là phải giữ cho vững lá quốc kỳ nền Vàng 3 sọc đỏ và quốc ca “Tiếng gọi Công dân”. Sau nữa lại phải giữ cho thật chắc chính nghĩa quốc gia mà chế độ VNCH là tiêu biểu, kế thừa nền độc lập và thống nhất (dù chỉ là danh nghĩa) của Quốc Gia Việt Nam theo Hiệp định Việt Pháp Elysée 1949 và các Hiệp định kế tiếp. Đó cũng là lý do chính yếu thức đẩy thành lập Chính phủ CMVNTD đặt trụ sở ở hải ngoại trên đường Bolsa thuộc thành phố Westminter, quận Cam, hay là thủ đô tỵ nạn Little Sài Gòn, Nam California – Hoa Kỳ. Ngọn cờ của Tổ Quốc đã được giương cao trước mặt tiền của trụ sở như đã chấp nhận moi thách đấu đến bất cứ từ đâu. Và như một khẳng định, VNTD công khai đối đầu với VNCS trên đất Mỹ và thế giới.

Huy hiệu của VNTD là Thiên Long, một nối tiếp truyền thống Rồng Trời trong suốt dọc lịch sử dân tộc gần 5000 năm văn hiến. Rồng trên huy hiệu Của VNTD không phải là Rồng Vàng, biểu hiệu tối cao của ngôi Vua. Rồng “Thiên Long” là rồng Tía (tên chữ là Tử Long – Tử là mầu tía). Đây là một ý nghĩa biểu tượng hoàn toàn mới: Rồng tía là rồng dân gian. Rồng trên huy hiệu của VNTD, mỗi chân chỉ có BỐN MÓNG, khác với rồng trên ngai vàng của vua và cung điện hoàn thành có NĂM MÓNG. Bản sắc độc đáo của văn minh văn hiến Việt Nam là vua không độc quyền giữ biểu tượng Rồng mà Rồng được dân gian hóa. Các Đình, Đền, Lăng, Miếu ở nông thôn đều trang trí hình rồng. Trên nóc đình, đền, miếu thường là đắp một cặp rồng và ở giữa là hình mặt trăng hay trái cầu ngọc “lưỡng long tranh châu”. Nhiều ngôi nhà thờ cổ Công Giáo miền Bắc chạm rồng trên cột và các kiến trúc khác. Rồng lại là chủ thể, chủ vị trong kiến trúc Phật Giáo Việt Nam. (Xem: Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý-Trần-Mỹ thuật Phật Giáo. Nxb MT, HN 2001, trang 302-312…+ “hnfh rồng chùa Dạm”), “từ truyền thuyết, không đâu như ở Việt Nam, tất cả dân tộc có chung một Tổ là vua Rồng vẫn còn mộ Tổ là đền Hùng (…) Con Rồng tâm linh, con rồng nghệ thuật dù không thực trong thế giới sinh vật nhưng với người nó lại sống động và bất diệt” (sđd, trang 327). Rồng Việt Nam rất khác với rồng Trung Hoa. Rồng Việt Nam hòa vào đời sống dân gian, tôn giáo và tín nghưỡng dân tộc, xuất phát từ những ngàn xưa ở Phương Nam Bách Việt, tên gọi là Klong, Krông, du nhập vào phương Bắc thành long. Huy hiệu Thiên Long của VNTD còn là biểu hiện đạo thờ Trời của dân tộc Việt Nam từ thưở vua Hùng dựng nước. Rồng VNTD là sự nối truyền “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt), là tài sản cao quí, bất diệt mà Nguyễn Trãi đã tuyên dương: “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang…” và là Rồng Trời: “các đế nhất phương” (Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu.. từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập…hùng cứ một phương – Bình Ngô đại cáo. Bản dịch của Phó Bảng Bùi Kỷ). 

Từ khi thành lập, VNTD đã xây dựng trên căn bản CHÍNH DANH, lấy Trời và quốc gia làm hướng chủ đạo, lấy Rồng Tím của ông cha làm sức mạnh tinh thần. Màu vàng là màu vinh quang của dân tộc. màu tím hay màu nâu và màu điều là màu biến hóa của đất và nòi. Màu điều là một tổng hợp của nhiều màu mới tạo được màu điều. Đạo Phật giáo Tứ Ân của Đức Phật Tây An lấy Trần Điều làm biểu tượng thiêng liêng (thờ Trần Điều). Ca dao có câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”…Rồng tía là rồng Thần, màu sắc biến hóa vô thường “Kiến thủ bất biến vĩ; kiến vĩ bất kiến thủ” (thấy đầu mà không thấy đuôi, thấy đuôi mà không thấy đầu) ẩn hiện trong thực tại rồi hóa thân cũng từ thực để giữ nước và tồn chủng.

Lấy Thiên Long làm biểu tượng tối cao và tối linh là do dân tộc Việt Nam thuở Thiên đạo, đạo Thờ Trời, đạo thờ người và đạo làm người mà con người VN từ những ngàn xưa đã tự hào con Rồng, cháu Tiên. Năm Tân Dậu 541, hào tướng Lý Bôn đứng lên phất cờ dấy nghĩa, đánh đuổi đô hộ Hán về Tàu, giành lại quyền độc lập cho Tổ Quốc, đặt tên nước là Vạn Xuân, dứt bỏ niên hiệu của vua Tàu, xưng là Lý Nam Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức tức là đức lớn của Trời (Cương Mục, Tiều biên, Q.IV, t.1). Các triều đại đều tôn Trời là đấng anh linh tối cao – Đấng chỉ có một ( L’Unique). Năm Tân tỵ 981, Lê Đại Hành lên ngôi lấy đế hiệu là Thiên Phúc, tức phúc lớn của Trời (Cương Mục, Chính biên, Q.I, t.17)…Vua Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010, lấy niên hiệu là Thuận Thiên tức thuận theo Ý Trời mà ý dân là Ý Trời (Cương Mục, ch B, II, t.9). Lăng các vua và hoàng hậu thường lấy chữ Thiên đặt tên như lăng vua Lý Nhân Tông là lăng Thiên Đức (Cương Mục, ch B, Q.IV, t.11). Năm Ất Dậu 125, Lý Chiêu Hoàng thoái vị, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông, chiếu thoái vị của Nữ Hoàng đại lược mở đầu như thế này: “Họ Lý ta vâng mệnh cao sáng của Trời, có cả bốn biển. Liệt Thánh (các vua Lý) kế tiếp làm vua hơn hai trăm năm…” (Cương Mục, ChB, Q.V, t.43). Một Thừa Sai Pháp, Lm Masson (MEP) trong lá thư gửi Bề Trên chủng viện Nancy, Pháp ngày 12-12-1829 viết về đạo thờ Trời của người Việt Nam như sau: “Trời là vị chúa tể muôn loài và đấng Chủ vị mà dân ở đây (VN) thờ cúng nhưng Trời lại không can thiệp quá nhiều vào nhưng việc của nhân gian ở trần thế. Ngài biết rõ điều thiện (của dân gian) để khen thưởng và điều ác trừng phạt sau cuộc sống ở trần gian” (Annales de la propagation de la Foi (Niên biểu Truyền bá Đức Tin), T.V, t.326-334).

Năm 1076 lập Quốc Tử Giám, đại học quốc lập đầu tiên của nước ta rồi lập Hàn Lâm Viện, trung tâm trí tuệ của đất nước, lấy Nho học làm quốc học. Tách tôn giáo ra khỏi triều đình, quốc gia. Nhà Trần tiếp tục như nhà Lý, mở kỳ thi Tam giáo. Năm 1232, mở kỳ thi Thái học sinh. Khóa thi Tiến Sĩ đầu tiên ở nước ta. Khóa thi Tiến Sĩ năm 1244 lập Tam Khôi (3 người đậu đầu): Trạng Nguyên, Bảng Nhản, Thám hoa. (Cương Mục, ch B, Q.VI,t.29). Ngài Huyền Quang, đệ III Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đậu Trạng Nguyên, không ra làm quan, xuất gia theo Đức Điều Ngự tức vua Trần Nhân Tông. Đệ I Tổ Trúc Lâm Yên Tử nhưng trọn đời Ngài lại là đệ tử của Tam Giáo (Xem: Lê Mạnh Thát (Thượng Tọa Trí Siêu) Toàn Tập Trần Nhân Tông. Nxb Tph.HCM 2000, phần “văn thư ngoại giao Trần Nhân Tông”, t.448-485). Nhà Hậu Lê Nho giáo cực thịnh, gọi là Thánh giáo nhưng vẫn trong khuôn khổ Tam giáo. Đến thời nhà Mạc (1527-1593) Tam giáo lại cực thịnh như một tổng thể thống nhất Nho, trọng ghi vào Cương lĩnh chính trị và Hiến Chương.

VNTD: TUYÊN ÚY VÀ LỤC GIÁO HÒA ĐỒNG

Ngay từ những năm đầu thành lập, VNTD đặt tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc lên hàng đầu. Cách mạng là linh động, sáng tạo và sáng kiến. Tuy không có quân dội hay lực lượng vũ trang, CPCM/VNTD thành lập Tổng Nha Tuyên Úy, trước hết và căn bản nhất là thể hiện tinh thần tôn giáo hòa đồng. Lý, Trần là 2 triều đại cực thịnh và huy hoàng nhất. Phật giáo là đa số chủ thể. Quốc Sư Vạn Hạnh là người dựng nên vua Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn, ngài dư quyền lực có thể đưa Phật giáo làm quốc giáo. Nhưng không! Tuyệt vời thay và cao cả thay một Vạn Hạnh khai phóng và bao dung! Ngài chủ trương Tam giáo (Nho – Lão – Phật) đồng nguyên, đồng hành. Thiền sư Vạn Hạnh có thể “quyền khuynh thiên hạ” và độc tôn nhưng ngài lại an nhiên lui về quê, tu ở chùa làng rồi viên tịch ở làng vào rằm, tháng 7 năm Ất Sửu, 1025, quốc sử chép Vạn Hạnh qua đời “không có bệnh gì, người bấy giờ gọi là hóa thân” (Toàn Thư, Q.II, kỷ Nhà Lý, t.198).

Tam giáo tự đã có nghĩa là phá bỏ độc tôn. Năm Ất Mão 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Lão, Phật. Nhiều chùa Tam giáo được dựng lên. Bia chùa Tam Giáo Cao Dương do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết văn bia có đoạn như sau: “Tôi là nhà Nho tuy chưa được nghe thấu đáo về đạo Phật, đạo Lão, song đọc rộng suy ngẫm những điều nghi hoặc cũng nắm được một hai điều về luận thuyết này”. (Xem: Đinh Khắc Thuận, Bia Mạc, Nghiên cứu Lịch Sử, số 6-991 trang 58). Đặc biệt các vua Mạc giành cho các thừa sai Công Giáo người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được tự do truyền đạo. Năm 1585, thừa sai Ruitz trở lại Bắc Hà lần thứ 2, được vua Mạc Hậu Hợp tiếp đãi rất nồng hậu, cho giáo sĩ ở lại Thăng Long truyền giáo (xem: Cao Thế Dung, VN Công Giáo Sử - Tân Biên, Q.I. Cơ Sở Dân Chúa xb, 2002, trang 282-284)… Năm Quý tỵ 1533, giáo sĩ I-nê khu theo đường biển vào truyền giáo ở làng Ninh Cường. Quần Anh, huyện Nam Chấu và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy, trấn Sơn Nam (Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam ngày nay) nhằm vào niên hiệu Đại Chính đời vua Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540), thuộc vương triều nhà Lê Trung Hưng tức Nam Triều như một vài cuốn giáo sử chép lầm). Tóm lại, Tam Giáo là một truyền thống hòa hài, hòa hợp rất bền vững của dân tộc Việt Nam. Tiếc thay các vua đầu triều Nguyễn đã lấy Nho Giáo như là quốc giáo, coi nhẹ và kỳ thị Phật giáo, cấm và bách đạo Công Giáo. Đó là một trong mấy nguyên nhân làm cho đất nước suy yếu rồi mất nước. Việt Nam chưa bao giờ xảy ra chiến tranh tôn giáo. Hai chữ Thánh Chiến không có trong ngôn ngữ bác học và dân gian Việt Nam. Tiếc thay do ngoại nhân âm mưu khuấy động vào do CSVN xâm nhập xúi giục, những năm 1964-1966 đã xảy ra một vài biến cố “Phật Giáo và Công Giáo đụng độ”, nhưng rất cục bộ, chỉ xảy ra ở một số nơi rồi tan nhanh. Lấy kinh nghiệm từ một quá khứ bất hạnh này đồng thời dự liệu VN sau thời CS, tàn dư của CSVN có thể xâm nhập vào tôn giáo để khuấy động như năm 1964-66. Do vậy CPVNTD lập Tổng Nha Tuyên Úy, một là làm sống động truyền thống Tam giáo của dân tộc, nay đã thành Lục Giáo: Phật Giáo, Nho, Lão, Thiên Chúa giáo (gồm Công giáo và Tin Lành, Cao Đài giáo và Phật giáo Hòa Hảo (một nền Việt Phật hóa vào dân tộc đạo. PGHH thờ Phật, thờ Thánh, Thần và Tổ Tiên). Hai nữa VNTD đặt tôn giáo hòa hợp hòa đồng thành một QUỐC CƠ chiến lược để mai này, sau khi chế độ vô thần XHCNCSVN bị giải thể. Lục giáo phải được quốc gia thượng tôn và định chế hóa, tách thần quyền (tôn giáo) ra khỏi chính quyền mà vẫn nhìn nhận Lục giáo là sức sống tinh thần của quốc dân Việt Nam. Một học giả Pháp, nghiên cứu nhiều năm về các tôn giáo ở Việt Nam và tín ngưỡng của dân tộc Việt, Lm Leospald Cadière  (ca di e tức Cố Xả, xứ Di Loan, tỉnh Quảng Trị) đã viết như sau: “Tôn giáo đón nhận con người Việt từ lúc mới sinh ra, dẫn dắt họ cho đến khi xuống nhà mồ, và sau khi chết đi tôn giáo còn giữ họ trong vòng ảnh hưởng. Khi người ta nhận thấy gốc rễ thâm sâu của những thể siêu nhiên ở trong tâm hồn Việt Nam, người ta không thể không nhận ra rằng dân tộc này tín ngưỡng rất thâm trầm” (xem: L.Cadière Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens (Niềm tin tôn giáo và hành đạo của người VN. T. III. Ed. EFEO, t,68-70 – Bản dịch của GS Nguyễn Đăng Thục, Văn Hóa, T.XIV, Sài Gòn 1965). Tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc đã được giành nhiều chương sách trong bộ Chủ nghĩa Dân Tộc Nhân Chủ của Đảng Dân Tộc Việt Nam.

 

CPVNTD: TỪ CÁCH MẠNG CHUYỂN HÓA QUA LÂM THỜI

Chiến lược chính trị và quốc cơ của CPVNTD đã được kế hoạch hóa rồi triển khai theo từng bước một. Mỗi bước đi qua lại nhìn ngược lại để kiểm thảo, sửa sai nếu có, và tu chỉnh nhắm đến một ngày mai khi chế độ CSVN cáo chung là ta có thể hoàn chỉnh để đưa vào thực tế từ chính trị và chính quyền từ đến văn hóa, xã hội, kinh tế, phát triển, quân lực, tài lực, nhân lực.v.v… Khi CPCM/VNTD ra đời đã không tránh khỏi phía này miệt thị, phía kia “dè biểu”, phía khác chê bai nhưng đồng thời khối thầm lặng đông đảo lại biểu lộ đầy nhiệt tình ủng hộ và cổ võ. Phía miệt thị, “dè biểu” cho rằng những người trong VNTD “không biết những điều kiện tối thiểu khi thành lập một Chính phủ hay Chính Phủ Lưu Vong. Thậm chí có người viết báo chê bai VNTD  gồm “những kẻ dốt nát, không biết luật, không biết quốc tế công pháp”! Ông Nguyễn Hữu Chánh phải gánh búa rìu dư luận từ phía bất đồng, chê bai, đánh phá. Nhưng ông và các thành viên trong tập thể lãnh đạo trung ương vẫn kiên tâm, nhẫn nhục chịu đựng, lắng nghe và cứ thẳng tiến theo kế hoạch và mục tiêu chiến lược đã được hoạch định. Tại sao lại gọi là Chính Phủ Cách Mạng mà không gọi là Chính Phủ Lưu Vong? Cơ phận lãnh đạo VNTD có khá nhiều luật gia. Giáo sư Nguyễn Huy Đẩu là một thẩm phán trẻ đầu tiên của hệ thống Tư Pháp năm 1946, ông ra chiến khu chống Pháp nhưng sớm nhận ra chân tướng CS nấp dưới chiêu bài kháng chiến chống Pháp và Mặt Trận Việt Minh, ông từ bỏ Việt Minh về thành. Thẩm Phán Nguyễn Huy Đẩu cũng là một Thẩm Phán đầu tiên của hệ thống Tư Pháp Quốc Gia Việt Nam (1949 -55), từng là Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn và trường Cao Đẳng Công Chánh Sài Gòn, Tổng lãnh sự VNCH tại Ấn Độ, rồi Đại Sứ tại Vương quốc Marốc  (Morocco). Cụ Đẩu cho rằng không thể lập Chính Phủ Lưu Vong vào thời điểm 1993-94. Chính Phủ CÁCH MẠNG  là hợp cách hơn cả. Một thành viên lãnh đạo, thuần thành và tích cực là Đại Sứ Phan Văn Thính, Duy Dân Cách Mạng đảng thế hệ 1945. Ông đậu Tiến Sĩ quốc gia về Luật năm 1954, một học vị cao nhất của khoa bảng Pháp, chuyên về Công Pháp Quốc Tế. TS Thính là Phó Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, Đại sứ tại Thụy Sĩ và Đức quốc. CPVNTD còn có LS Nguyễn Khắc Chính và Thẩm Phán Đặng Phúc Nguyên, chánh án tòa Sơ thẩm Đắc Lắc, Hội thẩm Tòa Đại hình Đà Lạt, Luật Sư của chính phủ Canada. CPVNTD lại có hai Cố Vấn chính thức: LS Nghiêm Xuân Hồng, một học giả lỗi lạc, tác giả nhiều bộ sách giá trị về tư tưởng, luận gia và cố Luật Sư Hoàng Cơ Thụy, bào huynh của cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh trong cơ phận lãnh đạo và cố vấn thiết tưởng cũng đã dư đủ khả năng và kiến thức về luật học.

TỪ ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA 1997

Quả thực như trên đã tiên liệu, phương thức “Chính Phủ” đã bắt được nhịp đập của đa số đồng bào thầm lặng. Dù bị chống phá mỗi ngày một dữ dội từ một vài phía. Phía CSVN và CS nằm vùng ở Mỹ và ở ngay trung tâm Little Sài Gòn. Nếu năm 1995 mà lập Đảng hay Mặt Trận – Cách Mạng VNTD thì chắc chắn sẽ bế tắc, không thể đi xa, cuối cùng rồi cũng sẽ tắt lịm và đông lạnh như bao tổ chức khác. Sau chuyến du hành qua nhiều thành phố và tiểu bang ở Hoa Kỳ và Canada, ông Nguyễn Hữu Chánh cho cơ phận lãnh đạo biết: Cần thiết và phải gấp rút hành động để CHUYỂN HÓA từ thế cách mạng qua thế đồng bào và chiến hữu, đưa chính phủ CMVNTD vào dòng sinh mệnh mới của đấu tranh cách mạng. CPCM/VNTD triệu tập và tổ chức ĐẠI HỘI CHÍNH NGHĨA vào ngày 26-1-1997. Sau 2 năm thử thách, kể cả đối đầu và phát triển, Cờ Vàng ba sọc đỏ vẫn phất phới trước và trong trụ sở CPVNTD và các cơ sở địa phương. Chính Phủ Bill Clinton không đụng tới, có thể coi là mặc nhiên (DEFACTO) chấp nhận sự hiện diện của CPVNTD trên đất Mỹ. Cộng Sản Hà Nội liên tục phản kháng chính phủ Hoa Kỳ cho rằng “đã dung túng một tổ chức phản động”…Hàng trăm thư gửi đến các cơ quan an ninh của chính phủ Mỹ đặt điều vu khống ông Nguyễn Hữu Chánh và CPVNTD. Kết quả, ngày Đại Hội Chính Nghĩa, cờ Vàng ba sọc đỏ treo ở cột đèn suốt dọc con đường Bolsa cho đến vận động trường nơi tổ chức Hội Nghị với trên 3000 đồng bào các giới tham dự, và hơn 200 Đại biểu CPVNTD từ Canada đến các thành phố ở Hoa Kỳ và nhiều nước tại Âu Châu… Lần đầu tiên VNTD ra mắt trước quốc dân đồng bào hải ngoại. Đại hội Chính Nghĩa 1997 là một THÔNG ĐIỆP nhiều ý nghĩa sâu sắc gửi đồng bào trong và ngoài nước:

Cổ lai, quốc vĩ dân vi bản

Đắc quốc ưng tri tại đắc dân

(Nghĩa là từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc – Được nước nên biết là ở chỗ được lòng dân) –

 

Nguyễn Bình Khiêm

 

QLVNCH – TẬP THỂ H.O VÀ CANH TÂN

Vốn để dấy nghĩa vẫn là vốn người – CPVNTD ở trong một thực tại hải ngoại: hơn 80% các gia đình Việt tỵ nạn là gốc Quân Lực VNCH. Kể từ những năm đầu thập niên 1990, từng đợt cựu tù nhân chính trị (HO) đến Mỹ, một lực lượng rất quan trọng với đủ yếu tố từ văn hóa, xã hội đến chính trị và quân sự. Phải vận động lực lượng sung mãn này. Sau Đại Hội Chính Nghĩa, VNTD thành lập Quân Ủy. Đây là tổ chức có nguồn gốc từ Việt nam Quốc Dân Đảng. Trung tướng Linh Quang Viên, nguyên Ủy viên quân sự Quân Ủy VNQDĐ năm 1945-46 được công cử làm Quân Ủy Trưởng VNTD, phụ tá là Trung tướng Nguyễn Văn Toàn và một số Tướng từng đã giữ vai trò tương yếu trong QLVNCH (trụ sở chiếm trọn lầu 2 của một tòa cao ốc số 14550 đường Magnolia, thành phố Westminster, Nam California), Ông Nguyễn Hữu Chánh nêu lên chủ trương: Cứ tập họp lại đã. Nghĩa là, làm thế nào để CHUYỂN ĐỘNG được cái thực tại im dìm, đông cứng (frozen) ở hải ngoại mà trong đó tập thể H.O ở Mỹ dẫn đầu về số đông. Quả thực từ Đại Hội Chính Nghĩa đến sự thành lập Quân Ủy, VNTD đã dựng được một cái đà, tạo được sức đẩy để vận động lịch sử, từng bước một với nguyên lý cách mạng: Tự thời gian và tự tính của cách mạng sẽ đãi lọc. Nhân tài ở hải ngoại qui tụ chủ yếu ở 2 giới: Cựu quân nhân VNCH và giới trẻ. Cổ nhân có câu: “Chim khôn đậu nóc nhà quan. Gái ngoan tìm chồng giữa chốn ba quân”. Khởi từ Quân Ủy, “vốn người” gia tăng từ giới quân nhân. Theo nguyên lý khác: “Có cái này mới có cái kia.” Giới cựu quân nhân tham gia VNTD kéo theo các bà, các cô, một yếu tố rất quan trọng trong tiến trình vận động lịch sử. Có các bà, các cô lại sẽ thu hút được nhiều thành phần năng động khác. Kinh nghiệm và ý thức cách mạng cho biết rằng, trong bất cứ cuộc vận động đấu tranh nào cũng phải lập Đảng.  Tại sao không lập Đảng từ lúc đầu? Như đã trình bày phần trên, Đảng, MT, LM, PT… đã trung hòa, bế tắc và bị quá nhiều dị ứng trong quốc dân và cộng đồng nên phải lập Chính Phủ để làm trung tâm điểm, kết nạp, lôi cuốn. Đã gọi là  Chính Phủ thì có thể sớm gia nhập, chiều ra đi. Vấn đề trung kiên với Đảng là yếu tố cơ bản nhưng với Chính Phủ là thứ yếu. Nay ông X là Tổng Trưởng NG, mai ông Y thay thế do ông X rời Chính Phủ vì lý do này hay lý do khác. Đối lập với Chính Phủ, kể cả từ bỏ là chuyện thông thường thuộc nhân tính xã hội hay do quan điểm và lập trường. Chính nhờ vậy, Chính Phủ là một phương thức thích hợp và có hấp lực cao ở hải ngoại. CPCM/VNTD trong thực tế là một tổ chức, một hệ thống có cơ cấu đấu tranh và cũng là một mạng lưới (the network) nhưng linh động. Thật vậy, trong 10 năm qua đã có một số chiến hữu “rũ áo” ra đi hoặc nhẫn tâm phản lại nhưng một người ra đi thì lại có 10 người vào. Những Chiến hữu đã âm thầm ra đi vì lý do cá nhân và gia đình hay mấy người nhẫn tâm quay ra chống phá nhưng đã không gây ra phân hóa và khủng hoảng nội bộ Chính Phủ. Cuộc vận động lịch sử vẫn tiếp diễn, tích cực và năng động. Mỗi giai đoạn lại có một chủ đề mới, phương thức đấu tranh mới. KHÔNG ĐỨNG LẠI. Nếu đứng lại dậm chân tại chỗ tất cả sẽ đi đến thoái trào. Năng động (dynamic) mà không năng nổ, luôn luôn tiến tới (forward-toward) đó là nguyên lý cách mạng. Đó cũng là lý do một năm CPVNTD thường tổ chức một, hai Đại Hội. Các cơ sở hạ tầng hội họp hàng tuần làm cho tổ chức luôn luôn sống động. Trên bồn tắm của Vua Thành Thang nhà Chu khắc câu này: “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhất tân” (Mỗi ngày một đổi mới,ngày ngày lại đổi mới). Đó cũng là phương châm và là tâm nguyện của các chiến hữu VNTD.

CPVNTD VÀ LIÊN ĐẢNG VNTD

Không có Đảng không lấy gì làm cột trụ và cốt lõi đấu tranh cách mạng. Từ ông Nguyễn Hữu Chánh đến cơ phận lãnh đạo trung ương trước và sau đều không quan tâm hay dao động trước nhiều âm mưu đánh phá, bội nhọ và miệt thị CPVNTD và người Thủ lãnh là do chúng tôi tự biết rằng, CPCM/VNTD trên quan điểm về một Chính Phủ thì chỉ là hư cấu dựa trên các nguyên tắc vững chắc của cách mạng rút ra từ thực tại chính trị, từ nhân tính xã hội và thực thể cộng đồng VN hải ngoại. Rốt ráo, CPCM/VNTD vẫn là một tổ chức đấu tranh dưới danh nghĩa Chính Phủ. Có thể cho là hư cấu nhưng không phải là hư danh mà là một thực thể sống động.

Vận động lịch sử là vận động quần chúng. Có quần chúng là có tất cả. CPCM/VNTD là con đường vận động lịch sử. Là chiến lược đấu tranh vận động qua nhiều giai đoạn. THỜI là yếu tố chính yếu và chủ yếu trong đấu tranh chính trị cách mạng. Nắm bắt được thời cơ là do trí tuệ của Thủ lãnh và cơ phận lãnh đạo của tổ chức. Có lúc phải làm như thế này, có lúc không thể làm như thế ấy. Trí tuệ chính trị cách mạng không phải là trí tuệ kinh điển hay khoa bảng. Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng lên tiếng chỉ trích quan quyền khoa bảng chỉ là “lũ ăn hại của dân” (ăn bao nhiêu vạc), kể cả nhà Nho là đẳng cấp lãnh đạo vào thời Trạng Trình cũng bất tài, bất lực, không tin cậy được: Nhu quan tự tín đa thân ngộ, Đỉnh thực thùy năng vị quốc ưu! Nghĩa là: Tự tin vào cái mũ nhà Nho thì hay lầm. Ăn bao nhiêu vạc (các vạc nấu cơm và thức ăn) nhưng có ai (quan quyền) là kẻ vì nước mưu toàn việc nước đâu!

Trí tuệ cách mạng là biết tạo lực, tìm thế. Viễn kiến, bắt nắm được thời và cơ hội. Nhờ vậy, từ cái “VỐN” Chính Phủ, CPVNTD bước thêm một bước chiến lược: thành lập Liên Đảng VNTD, tuy hai là một, không tách rời CPCM/VNTD để tùy cơ ứng biến, tùy thời xử sự. Tại sao lại lập Liên Đảng mà không lập Đảng MT, LM, PT?. Chính Phủ VNTD trên thực tế vận động chính trị đã là cả một phong trào vận động đấu tranh. Trong tổ chức CPVNTD có nhiều thành viên thuộc nhiều Đảng, MT và LM… Nếu lập Đảng thì phải theo nguyên tắc “quí hồ tinh, bất quí hồ đa”. Và như vậy sẽ phải chờ biết đến bao giờ mới đủ cán bộ đảng viên để vận động đấu tranh toàn diện và toàn bộ? Do vậy, Liên Đảng là một phương thức “nhảy vọt” mà chắc, một cuộc họp đa đảng và nhiều màu sắc đặc thù trong một quá trình chính trị với “vốn” dân-quân-chính trước và sau năm 1975, LĐVNTD không phải là tổ chức đi “giành giật” người của các đảng, MT, LM khác. Hoàn toàn tự nguyện gia nhập, kể cả tự do rút lui. Tùy theo hoàn cảnh. Không gọi nhau là Chiến hữu mà là NGHĨA HỮU, nói môn na là bạn trong đại nghĩa giải phóng dân tộc. Các Nghĩa hữu vẫn giữ đảng tịch của mình. Đại hội thành lập LĐVNTD được chiêu tập vào ngày 15-8-1997 tại trụ sở Bestel, Garden Grove, 7 giờ tối kết thúc đại hội với 72 Nghĩa hữu tuyên thệ gia nhập. Giáo Sư Nguyễn Huy Đẩu, chưa từng gia nhập đảng phái hay bất cứ tổ chức chính trị nào, Đại hội suy cử cụ làm chủ tịch Liên Đảng. Tiến Sĩ Hà Thế Ruyệt, một đảng viên trung kiên của đảng Duy Tân được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Chấp Hành; Giáo Sư Ngô Trọng Anh, độc lập, Phó Viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh, Cựu Tổng Trưởng Công Chánh và Viện trưởng Giám sát Viện tiên khởi của VNCH làm Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn; Phó Chủ Tịch là nhân sĩ Hoàng Văn Minh, gốc Duy Dân, thành viên lãnh đạo Lực Lượng Đại Đoàn Kết; GS Cao Thế Dung, VNQDĐ, trách nhiệm Lý Thuyết. Ông Nguyễn Hữu Chánh mặc nhiên là người lãnh đạo Liên Đảng VNTD và CPCM/VNTD, dù ông không phải là Thủ Tướng trên danh nghĩa. VNTD bước qua một bước ngoặt chiến lược, hướng về chân trời mới: “Dân gian thức mục quan tâm chính” (Dân đều lau nước mắt ngước xem chính trị mới).  “Tân chính của CPCM/VNTD và LĐVNTD là tiến lên lãnh sứ mạng giải thể chế độ XNCNCSVN như Trạng Trình đã dậy: “Y cự kiền khôn nhất thái hòa” (Xoay lại Càn – Khôn buổi thái hòa”. Vì đã đến lúc: “Dựng dậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo). Chính Phủ và Liên Đảng bắt đầu từ năm 1997 vận động quần chúng để tiến đến Quốc Dân Đại Hội.

TỪ QUỐC DÂN ĐẠI HỘI 2002 VỚI CPVNTD LÂM THỜI VÀ QDĐH II 1-1-2005

Gần một năm chuẩn bị và vận động. Ngày 28-6-2002. Đại Hội Quốc Dân khai mạc với trên 800 Đại biểu đến từ khắp năm Châu, một hình thức Hội Nghị Diên Hồng năm 1284. Thủ tướng Nguyễn Hoàng Dân chính thức từ nhiệm và giải tán CPCM/VNTD, một cuộc chuyển hóa chính trị có vẻ đột khởi nhưng thực ra đã được chuẩn bị kỹ từ lâu, theo từng bước một của chiến lược đã hoạch định ngay khi thành lập CPCM/VNTD. Đã vừa đúng lúc để công khai “danh chính ngôn thuận”, đưa “phương thức” Chính Phủ vào một qui mô và chuẩn định (norms) để tiến tới định chế hóa (instituted). Đại Hội Quốc Dân là một thực thể nhân dân đủ tư cách và chính danh để thành lập một Chính Phủ mới, chấm dứt một quá trình đấu tranh xuất phát từ một hư cấu Cách Mạng. Hư cấu chỉ là cách gọi nhưng lại vẫn là thực thể trên danh nghĩa và nhất quán tiêu biểu qua huy hiệu thiêng liêng THIÊN LONG và ngọn cờ vàng ba sọc đỏ. Tu chính án 28-6-2002 và thành lập Chính Phủ Lâm thời VNTD (tại Hội trường Sequoa Center, thành phố Anaheim, California. Đại hội khoáng đại đã biểu quyết thành lập Chính Phủ Lâm Thời VNTD và bầu ông Nguyễn Hữu Chánh làm Thủ Tướng, mặc dầu ông Nguyễn Hữu Chánh nhất quyết từ chối. Cuối cùng, trên 6000 đại biểu và đồng bào nhất loạt và nhất trí tín nhiệm ông Nguyễn Hữu Chánh bằng cách dơ tay vẫy quốc kỳ - Một rừng quốc kỳ với cơn bão âm thanh vỗ tay hoan hô. Một biến cố chưa từng xảy ra trong lịch sử cách mạng cận đại về phía quốc gia. Tại sao lại lâm thời mà không chính thức? Do lẽ, Quốc Dân Đại Hội chưa được cấu trúc hóa, chưa hiện thực hóa thành thành một định chế. Chính Phủ Lâm Thời và LDVNTD tiến sang một giai đoạn mới NHÂN DÂN BỐN CÕI MỘT NHÀ đứng lên giống như giai đoạn quyết định của Lam Sơn khởi nghĩa trong vận động lịch sử:

“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cầu trúc ngọn cờ phất phới! Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”! (Nguyễn Trãi).

Xưa sao nay vậy, như danh nhân Nguyễn Trãi đã chỉ đạo: “Lấy xưa nghiệm nay, xét suy kỹ mọi cơ hưng phế” “Quân tử hãy lăm bền chí cũ – chẳng âu ngặt, chẳng âu già” (Nguyễn Trãi – Ngôn chí). Ý thức rằng, phải có tinh thần, Diên Hồng để đoàn kết, phải có một Hội Thề Lũng Kết, phải có một Hội Thề Lũng Nhai (Lam Sơn khởi nghĩa 1418) làm chiếc nôi của Ý chí và Đồng Chí, để làm thành trì cho đại nghĩa. Tiến thêm bước nữa, sau một thời gian chuẩn bị và tính toán chu đáo: Liên Đảng Việt Nam Tự Do chuyển hóa thành Đảng Dân Tộc Việt Nam, đồng thời, cơ cấu hóa và định chế hóa Quốc Dân Đại Hội I, dù mới chỉ trong một khuôn khổ giới hạn do hoàn cảnh đặc biệt của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Cuối năm 2004 Chính Phủ Lâm Thời VNTD và Quốc Dân Đại Hội I đã quyết định triệu tập Quốc Dân Đại Hội II vào ngày 1-1-2005 để tiến tới thành lập Chính Phủ VNTD chính thức, chấm dứt giai đoạn lâm thời. Tại sao phải chuyển hóa như thế? Đơn giản bởi đó là cuộc vận động lịch sử và quần chúng để tạo thế lực để chuyển hóa đấu tranh từ ngoài vào trong và đó là khởi điểm cho cuộc vận động lịch sử toàn diện, toàn dân, toàn thể và toàn bộ, lấy năm Ất Dậu 2005 này làm cột mốc tổng khởi nghĩa tiến đến giải phóng dân tộc và giải thể chế độ XNCHVN như Đức Trạng Trình đã kêu gọi quốc dân:

Cơ chế đa niên huệ dưỡng

Thân ngâm hà nhật chuyển âu ca.

Thiên như tảo vị sinh dân kế

Ứng tịch nghiêm ngưng tác thái hòa.

Nghĩa là: Dân đã nhiều năm nghèo đói, trông nhờ vào sự nuôi dưỡng ân cần (từ đồng bào hải ngoại – CTD phụ chú); Đến một ngày nào đó, từ rên xiết trở thành lời ca, câu hát; Nếu Trời vì dân mà toan tính; Thì hãy diệt trừ sự tàn bạo ghê sợ mà dấy lên khí thái hòa).

Đó là lúc “Thái bình thiên tử xuất”. Đó là lúc “Bắc hữu khuynh thành tráng. Nam tạc ngọc bích thành…” Thăng Long hoành tráng ăn mừng một ngàn năm tuổi. Miền Nam, Sài Gòn phục hồi lấy lại tên cũ và vai trò Hòn ngọc Viễn Đông. Và cũng là thời “Thân dậu niên lai kiến thái bình”, nghĩa là cắm mốc từ Thân Dậu đi tới…Tổ quốc sẽ quang phục, anh tài xuất hiện.

Kể từ năm Ất Dậu 2005 này, kể từ Đại Hội Quốc Dân kỳ II, ngày 2-1-2005. Dân tộc Việt Nam đã nhìn thấy vầng hồng bình minh ở phương đông, người anh hùng cứu nước đã xuất hiện. Đức Trạng trình tán than:

Thân dẫn tiểu dân ly thống khổ! Thùy dân đại nghĩa thủ hung tàn!

Nghĩa là: Rất thương dân thống khổ!

 

Ai nêu đại nghĩa diệt hung tàn!

 

Nhưng ngài lạc quan truyền tin cho đời sau là đời này:

 

Tứ hải y quy dân đới cựu

Cửu thiên chiêu yết nhật trùng minh

Cổi lai nhân giả tri vô địch

Hà tất khu khu sự chiến tranh!

 

Nghĩa là:

Người anh hùng cứu nước ra đời, bốn biển theo về,

Nhân dân đội ơn đã lâu! Trời cao nêu tỏ, vầng nhật lại sáng như xưa.

Từ xưa đến nay, người có nhân không ai địch nổi!

Việc gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh.

Đó là giai đoạn bất chiến tự nhiên thành.

DĨ NHÂN TRỊ NHÂN – DĨ NHÂN TRỊ BẤT NHÂN

 

CAO THẾ DUNG, Ph.D.

Trên đồi Tiên Fairland

Ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, đầu năm 2005.  

bottom of page