top of page

THAM LUẬN

Các hệ thống truyền thông phục vụ cộng động rộng khắp thế giới, đem đến tin tức, văn hóa, hữu ích thực tế trong sinh hoạt đời sống thường ngày, gồm đủ các chương trình thích hợp cho mọi lứa tuổi.

 

Xem trên máy vi tính qua Website, hoặc tải Apps ứng dụng trên điện thoại di động Smartphone và Tablet (máy tính bảng).

HÃY THỰC SỰ ĐẾN VỚI TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, trên một đài phát thanh Việt ngữ tại quận Cam, một số vị được xem như là những người phản kháng ở trong nước đã phát biểu với tinh thần đại khái như sau: Nhà văn Hoàng Tiến nói rằng cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ ở trong nước có khi phải dùng máu để đánh đổi; Một nhà văn khác - Trần Dũng Tiến thì nhận định là bản chất của nhà cầm quyền CSVN là một chế độ khủng bố, khủng bố còn hơn cả tập đoàn Bin Laden mà Hoa Kỳ đang chống lại. Trong khi đó Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang khi được hỏi về thái độ của ông và những người đang tranh đấu ở trong nước về sự sợ hải đối với bộ máy cầm quyền độc tài Hà Nội thì đã xác định rằng quý vị ấy không còn gì để sợ, dù đó là bạo lực của súng đạn, hay sự khủng bố bởi hình ảnh những nhà tù. 

Nhà báo LÊ ĐẠI VIỆT   (BTV Báo Dân Tộc)

Tiến sĩ Giang cũng bày tỏ sự thất vọng về tầng lớp thanh niên ở trong nước, ông nghĩ rằng những người trẻ này bị đảng CSVN “ru ngủ” bởi những thứ mà nhà cầm quyền CS muốn họ sống, một cuộc sống thấp hèn.

Chúng ta vô cùng trân quí và cám ơn những tiếng nói lẫm liệt ấy. Đó là “dũng khí Việt Nam”. Cái dũng đã từng là vũ khí để dân tộc Việt Nam chiến đấu và trường tồn qua bao thế hệ. Nếu không có cái dũng khí này, thì đã không thể nào có được một Tổ Quốc Việt Nam bên bờ Đông Hải.

Những Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Trần Dũng Tiến, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình .v.v…là những nhà trí thức: Văn sĩ, Luật sư, Bác Sĩ, Tiến sĩ… Họ là những sĩ phu của thời đại…dám nói, dám sống và dám chết cho sự nhận thức của mình. Họ là những người dám trả giá, dám hành động cho những điều mà họ đã suy nghĩ.

Nhưng điểm đặc biệt cần phải ghi nhận là những người đấu tranh ở trong nước là họ chỉ chống chế độ mà không bao giờ chống nhau. Dù rằng họ có thể có những điểm khác nhau như: Môi trường sinh hoạt, đại phương, tuổi tác hay khuynh hướng chính trị.

Từ những nhận xét trên về sĩ phu quốc nội, để chúng ta soi rọi về những điểm khác biệt tại hải ngoại:

Thứ nhất: Ở Hải Ngoại, những người chống Cộng, chống nhau hơn chống kẻ thù.

Đúng vậy, suốt 27 năm qua, chúng ta – những người đấu tranh ở Hải Ngoại, những người trí thức chống Cộng rất quyết liệt nhưng cũng chống nhau quyết liệt không kém. Tập thể những người, những tổ chức chống Cộng ở Hải Ngoại dù là có một nguồn gốc chính trị hoàn toàn giống nhau, đó là những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH, ra đi tìm tự do rồi tụ họp nhau chống lại chế độ tàn ngược CSVN. Chúng ta có chung một quá khứ đau đớn, chúng ta có chung một lý tưởng tốt đẹp, chúng ta có chung một quyết tâm chống Cộng, thế mà bỗng dưng vì sự vị kỷ, tranh giành ảnh hưởng trong hoạt động nên những tổ chức, những người đấu tranh ở hải ngoại đã không hiểu nhau, hoặc cố tình không hiểu ngôn ngữ và việc làm của nhau dù là họ nhìn tận mắt, nghe tận tai sự việc. Và thay vì đi kết tội kẻ thù tàn độc, thay vì dùng trí thông minh, óc sáng tạo để bày binh bố trận đánh kẻ thù chung thì quý vị này lại đánh ngược  lại trong hàng ngũ chống Cộng của mình. Đánh một cách tàn độc, đánh một cách một sống một còn, như bất cộng đái thiên. Chính chúng ta đã vô tình tiếp tay với kẻ thù, tự làm suy yếu đi hàng ngũ của mình

Thứ hai: Ở hải ngoại, chúng ta rất sợ phải “đấu tranh trực diện” với kẻ thù.

Nói đến điểm này thì bất cứ ai từng theo dõi sinh hoạt cộng đồng, theo dõi báo chí, phát thanh Việt ngữ thường xuyên sẽ phải nhăn mặt. Bởi vì khi chúng ta nói đến việc phải chấm dứt sự cai trị của đảng CSVN thì chúng ta rất là cương quyết. Hầu như tổ chức nào, thủ lãnh nào cũng xác định rằng phải giải thể cái chế độ thối nát đó. Nhưng khi được hỏi về phương pháp thì vị nào, tổ chức nào cũng lúng túng. Lanh quanh chỉ trong vòng những nhóm từ ngữ: “diễn biến hòa bình”, “chuyển lửa”, “truyền thông trong – ngoài” v.v… những phương pháp có tính cách “chờ đợi” hay “gián tiếp”. Hình như chúng ta rất sợ phải nghe nói đến việc “trực diện” đấu tranh với Cộng Sản, không giống như thái độ “chẳng sợ gì” kể cả phải đổ máu để tranh đấu như những người đấu tranh tại quốc nội.

Chúng ta thích nghe và đấu tranh bằng một phương pháp dễ dãi, mặc dù chúng ta biết rất rõ phương pháp đấu tranh ấy muốn có kết quả là phải trải qua một thời gian dài vô định… Chúng ta đang đấu tranh trong sự an lành và êm ấm nên có lẽ không mấy quan tâm đến yếu tố thời gian. Một yếu tố vốn là đáng sợ nhất đối người dân và với dân tộc Việt Nam, là nạn nhân của chế độ…Bởi vì mỗi một ngày qua những nạn nhân ấy tiếp tục bị đày ải và dân tộc Việt Nam phải trẻ thêm cái giá của đất nước bị tàn phá, tụt hậu trên mọi phương diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và con người…

Chúng ta sợ hãi khi nói đến phương pháp đấu tranh trực diện với kẻ thù và để ngụy trang cho sự sợ hãi này chúng ta thường đổ tất cả trách nhiệm lên vai những người trong nước, cho dù những vị trong nước này vẫn nhiều lần lên tiếng họ trông ngóng, chờ đợi ở bên ngoài. Có một điều rất mâu thuẫn là ngay tại hải ngoại, bất cứ tổ chức nào cũng xem thủ lãnh Nguyễn Thái Học là tấm gương cách mạng đáng noi theo câu nói bất hủ của ông đó là: “Hoa tự do phải tưới bằng máu”. Và hình cũng không mấy tổ chức nào lưu ý đến trường hợp tranh đấu của nhân dân Nam Tư, Nam Dương khi họ can đảm chấp nhận phải đổ máu để giành thắng lợi cuối cùng cho nền dân chủ của nước họ.

Nhưng phi lý và vô lương tâm hơn, khi nhân việc nước Mỹ đang vận động quốc tế chống khủng bố, đã có những kẻ còn chụp mũ, vu cáo với chính quyền Mỹ rằng những người chủ trương đấu tranh bằng võ lực với CSVN là thành phần khủng bố. Họ đồng hóa những Chiến Sĩ Tự Do chống một chính quyền chủ trương khủng bố người dân lương thiện với bọn tội phạm tàn hại con người. Họ cố tình tạo một hình ảnh lẫn lộn giữa đen và trắng, giữa thiện và ác.

Thứ ba: Ở hải ngoại, chúng ta đòi hỏi tuổi trẻ dấn thân, nhưng thường quay lưng lại sự hy sinh của tuổi trẻ.

Trong nhiều năm qua, có rất nhiều vị trong quốc hội lên tiếng lo lắng về tình trạng sống không lý tưởng của thanh niên trong nước. Tình trạng này là kết quả của chính sách của CSVN nhằm vô hiệu hóa sự chống đối của thành phần trẻ trong nước, một thành phần rất nhạy cảm và dễ phản ứng nhất trong xã hội. Trong khi bóp nghẹt các quyền tự do căn bản khác nhằm giúp người dân thăng tiến về mặt tri thức và nhân phẩm như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do chính trị thì CSVN đã thả lỏng tự do theo bản năng: Để tự do ăn chơi: từ bia rượu, hút sách, đĩ điếm, cờ bạc, đến dấy lên phong trào văn nghệ, thể thao (một cách có chủ đích) để người trẻ không còn thì giờ nghĩ đến những tư duy cao xa hơn như về đất nước, về dân tộc, về con người. Nhà cầm quyền thống trị đã tập cho người dân, đặc biệt là giới trẻ sống một cách ích kỷ và thấp hèn: Giới trẻ thì thi nhau ăn chơi, đua đòi. Người lớn thì se sua, hình thức…

Khát sống và vọng ngoại là cái tâm lý phổ biến của người dân trong nước, nhất là ở thành phần thanh niên. Từ đó, đảng CSVN đã thành công trong việc làm cho người dân phó mặc vận mệnh đất nước trong tay một nhóm người thảo khấu cai trị. Người người chỉ biết lo cho mình, sống chết mặc bay huống hồ gì chuyện nước non, dân tộc.

Trái lại, ở hải ngoại do môi trường tự do, dân chủ. Chúng ta có điều kiện để khuyến khích, hướng dẫn tầng lớp trẻ ý thức được vấn nạn của dân tộc, nếu những người lớn biết làm gương cho con em mình. Tiếc thay, những tấm gương cho tuổi trẻ ấy thật hiếm hoi. Tuy nhiên, mặc dù số lượng những người trẻ dấn thân tranh đấu vẫn còn quá ít ỏi nhưng so với tình trạng thanh niên trong nước, tâm thức của thanh niên Việt Nam hải ngoại vẫn có chiều hướng khích lệ hơn.

27 năm qua đã có những tấm gương thanh niên yêu nước xã thân xuất hiện liên tục như: Trần Văn Bá, Ngô Chí Dũng, Trần Thiện Khải, Phùng Tấn Hiệp, Trần Văn Bé Tư.v.v…của thập niên 80. Và gần đây là những anh chị em trong 38 người thuộc Biệt Đoàn Cảm Tử Bảo Long của Chính Phủ Cách Mạng VNTD đã bị CSVN bắt cầm tù như Trần Thị Huệ, Lê Kim Hùng, Sơn Điền và những anh em khác cùng tổ chức đã bị bắt tại Thái Lan, Phi Luật Tân như: Nguyễn Thanh Hiền Sĩ, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Tấn Vinh, Huỳnh Ngọc Thuận và ngay tại Hoa Kỳ là Võ Đức Văn…Hoặc như chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, anh Lý Tống…

Đó là chưa kể đến biết bao nhiêu thanh niên vẫn còn trăn trở, hoạt động đâu đó chúng ta chưa được nghe nói đến, cũng sẽ tiếp tục là những chiến sĩ can trường dấn mình tiến về phía trước trong cuộc chiến giành lại núi sông và quyền làm người cho dân tộc Việt.

Nhưng đau lòng biết bao khi những người trẻ lẫm liệt ấy ra đi hay sa vào ách nạn thì cộng đồng, thì những tổ chức, thì những người gọi là chống Cộng đã rất mau quên đối với họ. Thậm chí đã có những người hoạt động cộng đồng, đảng phái, những nhà làm truyền thông vì cục bộ, phe nhóm đã quay lưng lại với những hy sinh cao quí của những người trẻ anh hùng này mà còn vu cáo họ như là những kẻ tay sai cho ông thủ lãnh này hay co tổ chức nọ. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu những sự hy sinh của những người trẻ này chỉ là quốc gia, dân tộc. Mà tổ chức, mà thủ lãnh cũng chỉ là một phương tiện cho anh chị em ấy, trên con đường đấu tranh giải cứu đất nước. Tàn nhẫn hơn nữa, còn có một vài người trưởng thượng, tự cho mình là nhân sĩ, nửa đêm thức giấc, mê sảng lên tiếng làm quan tòa không công cho Hà Nội để lên án những người trẻ yêu nước này, kết tội họ là khủng bố, là bạo động không khác gì lối nói của nhà cầm quyền CSVN. Thái độ đó là một tấm gương xấu, đối chiếu lại với tấm gương yêu nước một cách trong sáng và dũng khí của những người trai trẻ anh hùng.

Sẽ còn lại bao nhiêu người thanh niên ở hải ngoại nghe theo lời kêu gọi của các bậc cha chú để tiếp tục lên đường đi cứu nước, khi họ thấy rằng cứ mỗi ngày qua những anh hùng tuổi trẻ Việt Nam, vì muốn rửa mối nhục mất nước, vì muốn đòi lại non sông gấm vóc của tiền nhân và muốn cởi xích xiềng nô lệ cho dân tộc mà phải bị tù đày lao lý nhưng đổi lại thì trên từng trang báo, trên từng làn sóng phát thanh, tên tuổi những người trẻ lẫm liệt này bị đem ra nhạo báng, ném bùn, vu cáo? Ai che chở cho gia đình họ trước bóng tối của những sự trù dập tồi bại và man rợ này? Ai trả lại sự công bằng cho họ trước những đòn thù vị kỷ, bất công? Chính chúng ta, chính cộng đồng của chúng ta, chính những người lớn trưởng thượng đáng kính của chúng ta, chính những tổ chức từng tuyên xưng là chống Cộng không khoan nhượng của chúng ta, chính những Ủy Ban, những Mặt Trận, những Lực Lượng, những đảng phái, những Mạng Lưới… phải là rào cản để che chở cho những người anh hùng tuổi trẻ đó.

Hỡi những người công chính.

Hỡi những trái tim trong sáng Việt nam.

Hỡi những người Cha, người Mẹ, người Anh, người Chị từng là nạn nhân của chế độ khủng bố CSVN, xin hãy cùng nhau lên tiếng bảo vệ những tấm gương thanh niên yêu nước hiếm hoi ấy, nếu tất cả chúng ta thực sự muốn những người trẻ tiếp tục dấn thân vào đại cuộc đấu tranh giải phóng cho dân tộc Việt Nam.

bottom of page