top of page

THAM LUẬN

Các hệ thống truyền thông phục vụ cộng động rộng khắp thế giới, đem đến tin tức, văn hóa, hữu ích thực tế trong sinh hoạt đời sống thường ngày, gồm đủ các chương trình thích hợp cho mọi lứa tuổi.

 

Xem trên máy vi tính qua Website, hoặc tải Apps ứng dụng trên điện thoại di động Smartphone và Tablet (máy tính bảng).

TỪ CĂN BẢN PHÁP LÝ

QUỐC TẾ đến QUYỀN DÂN TỘC

TỰ QUYẾT và CÁCH MẠNG

(Toàn bộ bài diễn văn khai mạc Hội Nghị Kỷ Niệm 3 năm thành lập chính phủ CMVNTD (1995-1998) tại Biên Thùy Đông Dương ngày 30-4-1998.)

Chúng tôi chân thành cảm ơn sự nhiệt tình của quý vị đối với chính phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do (CMVNTD). Quý vị từ khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, đã không quản ngại nghìn trùng xa cách để đến nơi thâm sơn cùng cốc, dự lễ kỷ niệm 3 năm thành lập Chính phủ, và lễ Quốc Hận 30-4. Chính sự hiện diện của quý vị sẽ giúp chúng tôi muôn phần phấn khởi trong công cuộc giải thể chế độ chính trị hà khắc của CSVN bằng một cuộc cách mạng ôn hòa, lấy tâm công Nguyễn Trãi làm phương sách. Nói một cách khác, chúng ta thực hiện chiến dịch Hòa Bình Đông Dương mà trước đây nhiều người bên ngoài đã cho là chuyện đội đá vá trời, dời non lắp biển. Họ cho rằng chúng ta thiếu căn bản pháp lý quốc tế thì cần phải xét lại, vì căn bản pháp lý quốc tế của thế kỷ 19 và 20 đối với Việt Nam là phản dân chủ để chiếm thuộc địa, giành thị trường tạo ra những chế độ độc tài và nuôi dưỡng nhân tai Cộng sản.

 

Làm cách mạng đâu phải là làm tay sai quốc tế, hay ngồi khoanh tay chờ sung viện trợ rụng xuống. Quan niệm lạc hậu, lệ thuộc ngoại bang nói trên, nay đã là thành kiến, được quốc tế thực dân và CS nhồi sọ quá lâu trong dĩ vãng (1884-1998). Vì vậy, một số rất ít dân tỵ nạn nhẹ dạ nhưng nặng lời, có dị ứng khi nghe danh từ cách mạng hay chính trị, mà họ xem như bất khả xâm phạm, dân không được dùng vì nó là của riêng độc quyền được phủ toàn quyền Đông Dương Pháp trao lại cho Bộ Chính Trị CSVN sử dụng, với đầy đủ pháp lý theo bốn giai đoạn hỗ tương.

1- Giai đoạn VN bị quốc tế thực dân xâm chiến làm thuộc địa (1884-1945).

 

2- Giai đoạn nóng giữa đồng minh và phát xít làm cho hai triệu dân miền Bắc chết đói, và hàng trăm ngàn dân bản xứ phải ly hương tùng chinh bảo vệ Tổ Quốc (1914-1945).

 

3- Giai đoạn VN làm nghĩa vụ quốc tế CS, để bành trướng và ý thức hệ CS (1945-1993).

 

4- Giai đoạn chiến tranh lạnh lập tiền đồn giữa Khối Tự Do và CS, làm cho dân hai miền Nam Bắc cốt nhục tương tàn ngót 30 năm làm giết hại hàng triệu sinh linh (1945-1975).

 

Người dân nào dám phản đối pháp lý quốc tế của những giai đoạn trên, tức là làm chính trị, làm cách mạng và bị tử hình hoặc tù chung thân. Ngay cả việc dùng hai chữ chính trị và cách mạng cũng đủ bị hệ lụy thê thảm với công an và mật vụ nhà nước. Sang đến Âu Mỹ vẫn còn những người ngán “đời sống chính trị với cộng đồng” và tránh nói đến cách mạng bên nhà. Tuyên vận CS khai thác chuyện này với những luận điệu ru ngủ dân tỵ nạn như: quân nhân không làm chính trị cách mạng, phật tử không làm chính trị, chuyên viên, thương gia, sinh viên, tất cả đừng làm cách mạng và chính trị. Nếu cần dân tỵ nạn có thể nói nhân quyền chung chung, nhưng tuyệt đối đừng nói đến chuyện giải thể chế độ CSVN!

 

Nhưng may thay chúng ta lại là 75 triệu dân lâm nạn trong nước hoặc tỵ nạn ngoài nước, luôn luôn có thái độ chính trị chống độc tài và có tinh thần cách mạng muốn giải thể chế độ CS, vì không chấp nhận tiếp tục sống trong tình trạng không có tự do, dân chủ và nhân quyền, qua các chế độ duy quốc tế nói trên. Từ lâu tất cả các cường quốc đều phủ nhận Quyền Dân Tộc Tự Quyết của chúng ta. Dùng vũ lực để phủ nhận tiếng nói của dân chúng VN gần 200 năm với những hiệp định quốc tế giết người vô tội. Những hiệp định quốc tế tai hại ấy vẫn được quốc tế áp đặt làm căn bản pháp lý cho chính phủ độc tài tại VN, để phục vụ quốc tế CS và thực dân trong dĩ vãng cũng như hiện tại bất chấp quyền Dân Tộc Tự Quyết gồm:

1/ Pháp lý do hiệp định Patenôtre 1884, buộc triều đình phong kiến giao đất nước cho chính phủ thực dân Pháp đô hộ.

 

2/ Pháp lý do hiệp định sơ bộ 1946, giúp cho CS giao đất nước về liên hiệp Pháp để tiếp tay CS, thẳng tay đàn áp các đảng phái và tổ chức quốc gia đòi tự do, dân chủ và nhân quyền.

 

3/ Pháp lý do hiệp định đình chiến Geneve 1954, hợp thức hóa cho việc CS và Pháp chia đôi đất nước làm hai phần, làm tiền đồn cho khối tự do và CS.

 

4/ Pháp lý do hiệp định đình chiến Paris 1973, cho phép Mỹ rút khỏi tiền đồn tự do trong danh dự, và giao cho tiền đồn CSVN bành trướng trên toàn cõi Đông Dương.

 

5/ Pháp lý rừng rú bằng vũ lực được quốc tế đương nhiên công nhận sau ngày 30-4-1975, giúp cho CS xâm chiếm hết miền Nam rồi đến Lào và Cao Miên. Dân chúng Đông Dương nói chung và VN nói riêng, không bao giờ chấp nhận những hiệp định trao quyền cho CS kiểu ấy. Bằng chứng: hơn 2 triệu người tỵ nạn ra đi (boat people) và hàng triệu người lâm nạn ở lại bị tù cải tạo đẩy lên vùng kinh tế mới, và sự hiện diện của chúng ta hôm nay trong Chiến Dịch Hòa Bình.

Giáo sư NGÔ TRỌNG ANH (Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn CPCM/VNTD)

Chính phủ CMVNTD là một chính phủ cách mạng bất chấp pháp lý quốc tế bất nhân, vì chính phủ thực sự vì dân do dân và của dân, phải dựa trên lòng dân trong nước và ngoài nước. Không một người dân nào chịu chấp nhận những hiệp định luôn luôn có lợi cho kẻ bạo tàn. Do đó, chiến dịch hòa bình cho toàn cõi Đông Dương của CPCMVNTD là nhu cầu tất yếu để chấm dứt những pháp lý quốc tế tàn ác, nằmg một pháp lý mới dựa trên lòng dân, trên tình tự dân tộc và trên lương tâm quốc tế.

 

Kính thưa quý vị,

 

Khi nghe nói cụm từ Dân Tộc Tự Quyết, một số người có dị ứng ngay vì cho đó là khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể đem lại sự kỳ thị ngoại bang (chauvinism) phương hại đến kinh tế thị trường và chính trị toàn cầu. Xin thưa ngay rằng dị ứng lạc hậu nói trên, cũng là thành kiến từ chính sách bế môn tỏa cảng thời triều Nguyễn phong kiến ngày xưa, cùng với sự bưng bít dư luận của CSVN ngày nay.

 

Chủ trương Dân Tộc Tự Quyết của Chính phủ CMVNTD, trái lại không phải là khẩu hiệu mà là phản ứng sinh tồn, chống lại mọi áp đặt quốc tế nào không tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân trong nước. Nói một cách khác, trong việc trị quốc ưu tiên phải có lá phiếu lựa chọn cấp lãnh đạo của người dân có tự do thực sự. Do đó, sau khi thành công, Chính phủ CMVNTD sẽ trở thành một chính phủ lâm thời để phục vụ chủ trương Dân Tộc Tự Quyết và chấm dứt nhiệm vụ khi có chính phủ dân cử.

Thưa quý vị,

 

Nhân ngày hôm nay Chính phủ CMVNTD xin ra mắt chiến dịch Hòa Bình Đông Dương cũng tại biên thùy với sự hiện diện của quý vị, để khẳng định rằng: sự tôn trọng nhân quyền là điều kiện tiên quyết để tạo ổn định chính trị cho nền kinh tế thị trường, tức trào lưu diễn tiến hòa bình hiện nay. Đó là xu hướng của thế kỷ 21 và ngay những người CS tiến bộ có lòng thương quê hương thật sự cũng công nhận. Mục đích của xu hướng này là cố gắng tránh mọi sự tranh chấp bằng vũ lực quân sự có phương hại đến môi sinh và nhân sinh toàn cầu. Trật tự mới của thế giới không thấy kẻ thù chính trị cần phải tiêu diệt, mà cần phải cùng nhau đổi mới và cởi mở thật sự, để tránh nạn diệt chủng nhân loại. Do đó sự chuyển hướng chính trị êm đẹp của các nước phát triển là cần thiết để có những chính phủ dân cử thật sự, có khả năng hội nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới.

 

Nhân tiện đây, xin phép lưu ý quý vị rằng kinh tế thị trường vẫn là ngọn mà thôi, còn tự do, dân chủ, nhân quyền mới là gốc. Bỏ gốc để lo ngọn là làm chuyện tốn tiền vô ích. Liên Hiệp Quốc muốn thành công trong công cuộc diễn tiến hòa bình thì nên lưu ý tiếng nói của ba giải Nobel hòa bình phát biểu trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Âu Á Nhân Quyền Lần II (Second Asia Europe Summit, ASEM) vào đầu tháng 4/1998 tại London gồm ông Jose Ramos-Horta (East Timor), ngài Dalai Lama (Tây Tạng) và bà Aung San Suu Kyi (Miến Điện). Ông  Ramos Horta nói: “Không đế quốc nào là vĩnh cửu, không chế độ nào là trường tồn. Chỉ có dân chúng, vâng, chỉ có họ mới vĩnh cửu, chỉ có họ mới làm nên lịch sử.” (Empire do not last forever, regimes are not eternal. People, yes, they are eternal, they are the maker of history). Những vụ rắc rối ở Á Châu không thể nào chỉ giải quyết bằng những số tiền thế chân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)…” nếu muốn tránh nổi loạn…, nếu muốn tránh cách mạng, thì phải nhắm vào căn nguyên của vấn đề, là tức sự thiếu tự do, dân chủ và công lý pháp trị” (If they want to avoid turmoil…if they want to avoid revolution, then they must address the root causes of the problems and that is the lack of freedom, of democracy and the rule of laws).

Trong công cuộc diễn tiến hòa bình, LHQ đã can thiệp nhiều nơi có kết quả ít nhiều trên thế giới như ở Trung Mỹ, Đông Âu, Phi Châu. Nhưng Á Châu trong đó có Đông Dương, LHQ lại không triệt để với CS, làm chuyện nửa vời, lo thị trường quên dân chủ: Ví dụ thí điểm Cao Miên được LHQ lựa chọn với 2 tỷ phí tổn nhưng không thành công vì đã trót dại lưu dụng CS Hunsen, (công cụ của CSVN), làm đệ nhị Thủ Tướng, mặc dù thất cử. Thí điểm CSVN cũng thất bại trên căn bản mâu thuẫn như trên. Tuy được Hoa Kỳ cho phép bang giao sau 20 năm chờ đợi, được gia nhập và hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), và được tổ chức hội nghị Quốc Tế kỳ thứ 7 của các nước nói tiếng Pháp, nhưng CSVN lại gia nhập với một chiêu bài bịp bợm nửa nạc nửa mỡ đầy mâu thuẫn mệnh danh là kinh tế thị trường với định hướng XHCN, tức tư bản đối với Đảng và CS đối với dân. Phần tư bản giúp Đảng tự do bán nước chuyển ngân, còn phần CS tiếp tục khống chế dân bằng vũ lực công an…

Sở dĩ LHQ thất bại hoàn toàn là vì họ không chịu khó rút kinh nghiệm của những thức giả như:

 

1- Tổng thống Yeltsin để hành động một cách triệt để đối với CS mà ông đã từng tích cực cộng tác. Ông Yeltsin tuyên bố: “CS không bao giờ thay đổi. Chúng chỉ có thể bị thay thế”.

 

2- Hay học giả Pháp Jean Francois Revel khi ông khẳng định dứt khoát: “Cách duy nhất để cải tạo XHCN là xóa bỏ nó đi” trong bài De la Réversi-bilité du Communisme (Politique Internationale No 41, Année 1998. Paris).

Để kết thúc và nhường lời cho Ban Tổ Chức, tôi xin trích lời trối trăn của ông Vũ Đình Huỳnh, Bí Thư của Hồ Chí Minh cho người con là Vũ Thư Hiên:

 

“Muốn cho dân tộc ta không thua kém những dân tộc khác, muốn cho đất nước ta thịnh vượng, dân tộc ta không nghèo đói mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: Ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng CS.” (hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Như Hiên).

 

Trân trọng kính chào quý vị.

bottom of page